Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 dịp nghỉ lễ 2-9

Rút kinh nghiệm trong phòng, chống dịch từ kỳ nghỉ lễ 30-4 vừa qua, Bộ Y tế yêu cầu triển khai nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, nhất là trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9.

Ngày 1-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Bộ trưởng yêu cầu triển khai nghiêm, triệt để các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, nhất là trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, hạn chế tối đa nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát như đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua.

Chỉ thị cho biết, trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, cùng với đó vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ thị các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đảm bảo phòng ngừa lây nhiễm Covid-19; thực hiện sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức chăm sóc, điều trị người bệnh toàn diện. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống Covid-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện. Tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị.

Tổ chức trực cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19; tổ chức an toàn tiêm chủng tại bệnh viện. Đảm bảo nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, thuốc phục vụ điều trị người bệnh theo các tình huống diễn biến dịch; có phương án vận chuyển, chuyển tuyến khi cần thiết.

Các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tiếp tục cập nhật, thực hiện các phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết để điều trị người bệnh Covid-19, nhất là về nhân lực, giường bệnh, máy thở, oxy y tế , thuốc điều trị…

Tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế về chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19, hồi sức cấp cứu, sử dụng máy thở; tập huấn về lấy mẫu, xét nghiệm; thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm chéo. Chuẩn bị nhân lực sẵn sàng chi viện cho các địa phương.

Vùng nguy cơ cao, nguy cơ rất cao phải xét nghiệm 2-3 ngày/lần

Đối với công tác y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.

Đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách. Đối với vùng nguy cơ cao, nguy cơ rất cao phải xét nghiệm 2-3 ngày/lần; đối với “vùng vàng”, “vùng xanh” thực hiện xét nghiệm ít nhất 1 lần.

Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm 2-3 ngày/lần ở vùng có nguy cơ rất cao

Tiếp tục tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ để đảm bảo tiến độ xét nghiệm. Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị cho trường hợp dịch bệnh lây lan rộng.

Chủ động, sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin ngay khi được phân bổ, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ và an toàn tiêm chủng. Triển khai thực hiện nghiêm công tác ứng trực 24/24 để kịp thời bám sát diễn biến dịch bệnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời các báo cáo dịch bệnh theo quy định hoặc các báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Chuẩn bị triển khai trạm y tế lưu động

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết TP HCM, tỉnh Bình Dương và các địa phương đang triển khai các Trạm Y tế lưu động, tiếp tục tăng cường thực hiện và vận hành hiệu quả mô hình này; thực hiện tốt chương trình điều trị có kiểm soát người mắc Covid-19 tại nhà, cộng đồng và triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà.

Các địa phương khác chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai Trạm Y tế lưu động; đảm bảo đủ máy thở, oxy y tế, giường bệnh, thuốc điều trị… đối với các cơ sở điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản phòng chống dịch

Có kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể, nhất là các tình huống khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn trong thời gian nghỉ lễ.

Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện ứng trực 24/24 đối với các lực lượng tham gia chống dịch trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh trước diễn biến dịch bệnh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Có chính sách, hoạt động cụ thể để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch về vật chất, tinh thần; đảm bảo đủ dinh dưỡng bữa ăn cho người tham gia chống dịch, dinh dưỡng cho người bệnh, nhất là người bệnh nặng.

N.Dung – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Tổ công tác đặc biệt kiểm tra những trường hợp lưu thông trên đường phố Hà Nội – Ảnh: Ngô Nhung

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-canh-bao-nguy-co-bung-phat-dich-covid-19-dip-nghi-le-2-9-20210901182540767.htm