Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng việc lập, điều chỉnh quy hoạch trên cả nước

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao về quy hoạch phát triển đô thị, bổ sung nội dung đã thực hiện trong báo cáo gửi Bộ để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Thực hiện nghiêm lấy ý kiến người dân khi điều chỉnh quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 01/3/2019 và Quyết định số 1398 ngày 16/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản nêu trên.

Khu đô thị Linh Đàm từng là khu đô thị kiểu mẫu tuy nhiên quy hoạch từng bước bị “phá nát” khi hàng loạt tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên vi phạm xây dựng tăng chiều cao, tăng hệ số sử dụng đất, tăng số lượng căn hộ… (Ảnh: Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ được phép xây dựng 27 tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng từ 36-41 tầng vượt nhiều tầng so với quy hoạch được phê duyệt)

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo bổ sung nội dung đã thực hiện trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng theo quy định về chế độ báo cáo thống kê ngành xây dựng, làm cơ sở để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Trước đó, tại Chỉ thị số 05 và Quyết định số 1398, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, thuộc các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị.

Cụ thể, đối với công tác quy hoạch xây dựng cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo việc thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; rà soát, đánh giá và xử lý các quy hoạch bị điều chỉnh sai quy định; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực; hoàn thiện và thực hiện quy hoạch không gian ngầm, không gian trên cao.

Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng cổng thông tin quy hoạch xây dựng quốc gia.

Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) từng được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội. Tuy nhiên, cư dân tại khu đô thị cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan, chính quyền địa phương về việc khu vực này bị phá vỡ quy hoạch trong suốt 20 năm qua

Đối với công tác phát triển đô thị cần hoàn thiện các công cụ về quản lý phát triển đô thị và đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị. Lập chương trình phát triển đô thị cấp tỉnh, chương trình phát triển đô thị từng đô thị, khu vực phát triển đô thị và ban quản lý dự án phát triển đô thị theo quy định.

Các địa phương cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị, đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị; bảo đảm sự kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong từng khu vực và toàn đô thị cũng như với các khu vực phụ cận…

Điều chỉnh quy hoạch ở các thành phố lớn còn tùy tiện

Tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo về “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 134 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII”.

Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, theo báo cáo của Chính phủ công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng tiếp tục được Bộ Xây dựng đẩy mạnh, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, bao quát, phủ kín các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

Theo báo cáo, kể từ đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã triển khai 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch, thanh tra Công tác quản lý nhà nước về xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý hoạt động xây dựng, chất lượng công trình xây dựng.

Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn. (Ảnh: Dự án khu đô thị Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra) quận Tây Hồ, Hà Nội liên tục xin chuyển nhượng, điều chỉnh quy hoạch. Người dân từng phản ánh cư dân Ciputra là một phần chủ thể của quy hoạch nhưng không được lấy ý kiến về việc thay đổi quy hoạch tại nhiều ô đất)

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch qua công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gắn với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển nhà ở xã hội, quản lý hoạt động xây dựng và trật tự xây dựng đô thị.

Bộ Xây dựng và nhiều địa phương đã tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện… Trong đó, xác định cụ thể các nội dung công việc, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả trong triển khai thực hiện song song đồng bộ với các nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương.

Bên cạnh đó, quy định pháp luật cũng đã quy định chặt chẽ về điều kiện, nội dung và trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, trong triển khai thực tế, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời, nội dung đánh giá chưa đầy đủ, thấu đáo.

Chưa làm rõ ảnh hưởng, tác động của việc điều chỉnh quy hoạch đến kinh tế – xã hội của địa phương, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung điều chỉnh quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc về đối tượng lấy ý kiến, nội dung ý kiến và giải trình và tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư.

“Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao”, báo cáo chỉ rõ.

Ngoài ra, các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng… dẫn tới gia tăng dân số.

Tại một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu một cách đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn đến quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm.

Thuận Phong – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/bao-cao-thu-tuong-viec-lap-dieu-chinh-quy-hoach-tren-ca-nuoc-796112.html