Bộ TN&MT: Chung tay xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua ‘Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới’ giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 2841/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào. Đây được xem là định hướng quan trọng giúp cho phong trào đạt được hiệu quả tích cực

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng

Theo Quyết định số 2841/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện “Phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong giai đoạn 2016 – 2020; nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp và thống nhất biển đảo.

Kế hoạch đã xác định các biện pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua, công tác khen thưởng ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016- 2020. Kết quả từ năm 2016 tới nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020.

Nhằm nâng cao hiệu quả phong trào thi đua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức phổ biến quán triệt nội dung phong trào thi đua xây dựng nông thôn đến tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giao Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hóa các nhiệm vụ được xác định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Chính phủ về Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đồng thời Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới…

Thành tựu trong lĩnh vực môi trường

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ngành tài nguyên và môi trường tham gia tiêu chí về môi trường. Đến nay, về cơ bản tiêu chí này đã đạt được hiệu quả tốt. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp.

Đã có trên 38 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có nhiều địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai,…); toàn bộ 13 tỉnh của vùng ĐBSCL đã lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn 3 sinh hoạt trên địa bàn. Cả nước có 3.210 xã và 19,5 nghìn thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt (chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn).

Rác thải trên địa bàn nông thôn cũng đã được các địa phương đẩy mạnh thu gom, xử lý, từng bước giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Một số địa phương chủ động có quy định tùy theo điều kiện từng xã thành lập tổ dịch vụ thu gom rác thải hoặc sử dụng dịch vụ thu gom sẵn có trên địa bàn. Quy định này cũng tạo điều kiện mở cho các địa phương hình thành mạng lưới thu gom chất thải và duy trì hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% hiện nay; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%. Tỉnh Đồng Nai, lượng CTR sinh hoạt thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 98,1%(cao nhất trên cả nước); tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước). Công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặc biệt quan tâm.

Chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã thực hiện đồng loạt tại các tỉnh, thành phố phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau), đã thu gom được khoảng 12.260 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật các loại đã qua sử dụng và vận chuyển về nhà máy tiêu hủy an toàn với 50 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đồng hành cùng chương trình, mang lại hiệu quả thiết thực. Ô nhiễm của các làng nghề từng bước được khắc phục.

Nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điểm về xử lý môi trường đã được các địa phương địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, đạt hiệu quả cao. Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường có sự chuyển biến vượt bậc, tiêu biểu. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn, ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường, cảnh quan tiếp tục được nâng cao. Những phong trào: “Sạch làng, đẹp ruộng”; “Thắp sáng làng quê”;… đang dần dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội.

Phát triển mạnh mẽ phong trào hiến đất

Có thể khẳng định, giai đoạn 2016- 2020, thông qua phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, trên cả nước phát triển mạnh mẽ phong trào hiến đất để xây dựng mới trường học, trạm xá, nhà văn hóa; mở rộng và làm thẳng đường làng ngõ xóm; mở rộng đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh thủy lợi nội đồng… Bên cạnh đó, người dân tiếp tục hiến kế với Đảng và Nhà nước về quy hoạch đất trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hướng dẫn và đẩy mạnh phong trào thực hiện phong trào dồn điền đổi thửa, phát triển các mô hình trang trại quy mô lớn, cánh đồng mẫu lớn…, nhằm tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.

Con đường được xây dựng từ phong trào hiến đất làm đường

Tài nguyên đất là nền tảng đặc biệt quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội, do đó, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian tới, sẽ thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất trong xây dựng nông thôn mới như: Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách quản lý đất đai khu vực nông thôn, nông nghiệp; nâng cao quy hoạch đất các cấp; xây dựng chiến lược quản lý và sử dụng đất; đặc biệt là đẩy mạnh phong trào sử dụng tài nguyên đất có hiệu quả cao.

Không chỉ lĩnh vực môi trường và đất đai, các lĩnh vực khác như khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, biển và hải đảo, đo đạc và bản đồ, viễn thám cũng đạt được những thành quả đáng khích lệ. Đơn cử như, lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đã triển khai thực hiện các giải pháp hiện đại hóa hệ thống đài khí tượng thủy văn, nâng cao kết quả dự báo, cảnh báo thiên tai; Xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm đánh giá các tác động trước mắt và lâu dài của biến đổi khí hậu được chủ động ứng phó và thích nghi hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khai thác tài nguyên nước nhằm đánh giá số lượng, chất lượng nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh hiện nay, trong đó tập trung tại khu vực nông thôn, miền núi….

Đẩy mạnh xây dựng chế tài BVMT nông thôn mới

Đạt được những thành tựu nêu trên là sự nỗ lực rất lớn của Bộ TN&MT. Thời gian tới, để góp sức hơn nữa trong việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025, Bộ TN&MT đã định hướng cho các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm. Cụ thể, nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách về tài nguyên và môi trường nông thôn; xây dựng các chế tài, công cụ pháp luật và kinh tế để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường nông thôn mới. Rà soát, đề xuất sửa đổi các chỉ tiêu thuộc tiêu chí về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Xây dựng sổ tay hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu thuộc tiêu chí tài nguyên và môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp các Bộ, ban ngành, địa phương hướng dẫn, tổng kết đánh giá các phong trào thi đua như kiên cố hóa kênh thủy lợi nội đồng; mô hình bảo vệ tài nguyên rừng; mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới… Khen thưởng thành tích chuyên đề đối với các phong trào nêu trên cũng như tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, tổ chức thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường tại khu vực nông thôn; hướng dẫn, thẩm định, lựa chọn các công nghệ sản xuất phù hợp với từng loại hình sản xuất tại nông thôn, làng nghề. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách và huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách khuyến khích và các biện pháp chế tài trong quản lý khu vực nông thôn; cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn…

Phạm Thu Hà – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Môi trường nông thôn được cải thiện xanh, sạch đẹp hơn

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/bo-tn-mt-chung-tay-xay-dung-nong-thon-moi-1275098.html