Giải pháp cần thiết để thúc đẩy giao thông xanh mang lại bầu không khí sạch là thường xuyên bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đồng thời thay thế xe máy cũ.
Trước thông tin từ ngày 12-30/11/2021 Hà Nội sẽ triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, hướng tới “giao thông xanh,” ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô.
Việc đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới cũng là cơ hội để đánh giá hiệu quả các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện giao thông; cung cấp thông tin thực tiễn để xây dựng chính sách, quy chuẩn khí thải và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường không khí.
Đặc biệt, kết quả của hoạt động đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội là căn cứ rất quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Với ý nghĩa đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đồng hành, phối hợp cùng với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả Chương trình vô cùng ý nghĩa này.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của việc đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường đáng quan tâm hiện nay. Trong đó, hoạt động giao thông vận tải là một nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các thành phố lớn.
Xe máy cũ. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng. Mặc dù, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng hydrocarbure; 87% lượng cacbon monoxit; 57% lượng Oxit nito trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Thông thường, các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và tác động trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Do đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng giải pháp cần thiết để thúc đẩy “giao thông xanh mang lại bầu không khí sạch” là thường xuyên bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đồng thời thay thế xe cũ không còn đảm bảo về an toàn giao thông và nồng độ khí thải theo quy chuẩn.
Từ thực tế đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND triển khai Chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố. Chương trình bao gồm những hoạt động chính như: Đo kiểm khí thải cho khoảng 3.000-5.000 xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn thành phố.
Đối với xe máy từ 5 năm trở lên, chủ phương tiện được tặng dầu nhớt. Trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được hỗ trợ một phần chi phí bảo dưỡng tối đa không quá 200.000 đồng/xe để sửa chữa các bộ phận liên quan đến khí thải.
Với xe máy đăng ký lần đầu trước năm 2002, nếu chủ xe có nhu cầu chuyển đổi sang xe máy mới sẽ được tư vấn, hướng dẫn, nếu đáp ứng các điều kiện của Chương trình sẽ nhận được các mức hỗ trợ từ các hãng xe tối đa đến 4 triệu đồng…
Bên cạnh việc triển khai tại Hà Nội, Chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy đã được tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới là Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2022.
Hoạt động chính của chương trình là tổ chức kiểm tra khí thải miễn phí, sửa chữa bảo dưỡng miễn phí cho khoảng 18.000 xe máy tại 3 thành phố lớn./.
Theo Chương trình “triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội,” từ ngày 12/11/2021, thành phố bố trí 24 điểm tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ lấy xe máy mới. Các điểm tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ được bố trí tại Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Sơn Tây và Thường Tín.
Hùng Võ (Vietnam+)
Theo VietnamPlus
Ảnh: Hoạt động giao thông vận tải là một nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các thành phố lớn. (Nguồn: TTXVN)
Xem bài viết gốc tại đây: