Bỏ ngỏ khả năng khai thác lại mỏ sắt Thạch Khê

Chính phủ đang xin ý kiến Bộ Chính trị về đề xuất khai thác trở lại mỏ sắt Thạch Khê – Hà Tĩnh của Bộ Công thương và TKV.

Chiều ngày 18/1/2019, thông tin tại buổi họp báo, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT đánh giá toàn diện dự án mỏ sắt Thạch Khê để có báo cáo gửi Thủ tướng.

Từ báo cáo của Bộ KH&ĐT, Chính phủ sẽ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án này nên đến thời điểm hiện tại chưa thể nói dự án sẽ dừng hẳn hay tiếp tục.

Được biết, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đổ 1.800 tỷ đồng vào dự án mỏ sắt Thạch Khê nhưng đã bị tạm dừng từ năm 2011 đến nay để đánh giá lại hiệu quả kinh tế, môi trường.

Dự án này ban đầu có tổng mức đầu tư là 14.500 tỉ đồng, tuy nhiên sau đó đã giảm về còn 13.000 tỉ đồng. Đến tháng 3.2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỉ đồng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường, việc khai thác trở lại mỏ sắt Thạch Khê có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến nguồn nước thay đổi, chi phí khai thác nhiều hơn giá trị đem lại, ảnh hưởng tới đời sốngs dân sinh trong khu vực nhất là sau sự cố môi trường mà Formosa gây ra.

Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng 540 triệu tấn, nằm trên địa bàn 6 xã ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, Hà Tĩnh cũng muốn dừng triển khai dự án này. Bởi, trong điều kiện tự nhiên, nếu mở rộng khai thác lượng nước chảy vào mỏ, đặc biệt là dòng nước từ biển chảy vào sẽ rất lớn (dự tính khoảng 3,2 triệu m3), dẫn đến nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ.

Các tính toán và giải pháp về ổn định bờ mỏ và thoát nước mỏ khi khai thác xuống độ sâu âm 145m của dự án là chưa chắc chắn, chưa an toàn trong trường hợp rủi ro. Bộ Công Thương khi thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án cũng nêu “trong quá trình khai thác xuống sâu, các rủi ro tác động bởi nước ngầm có thể xảy ra các thảm họa tụt bờ”.

Mặt khác, do mỏ nằm sát biển trong vùng tiềm ẩn rất nhiều dạng thiên tai nên việc xây dựng đê, kè đập chắn chân bãi thải lấn biển là giải pháp bắt buộc.

Song, với tổng khối lượng 171 triệu m3 chất thải (đất, đá, cát) trong phạm vi dọc bờ biển khoảng 5,2km và lấn rộng ra biển khoảng 1,6km, chiều dài đê chắn cát là 9,183km sẽ gây nguy cơ rất cao về vấn đề môi trường, sinh thái, dòng chảy ven bờ biển.

Đặc biệt, theo tài liệu nghiên cứu động đất thì khu vực Thạch Khê thuộc vùng có hoạt động động đất mạnh đến cấp 8 và từng xẩy ra động đất cấp 6 độ richter. Do đó trong quá trình khai thác nếu có động đất thì sẽ hết sức nguy hiểm.

Vân Long – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Mỏ sắt Thạch Khê khai thác trở lại có thể gây nhiều nguy hại tới kinh tế, môi trường.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/bo-ngo-kha-nang-khai-thac-lai-mo-sat-thach-khe-3373182/