Bộ GTVT xin bảo quản BOT xuống cấp: ‘Của người phúc ta’

…Không thể ‘của người phúc ta’, lấy tiền quỹ, tiền thuế người dân đóng góp để làm phúc cho doanh nghiệp được

Bộ GTVT mới đây có xin được chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản công trình thuộc dự án BOT đã tạm dừng thu phí mà nhà đầu tư không bảo trì dự án hoặc bảo trì không đạt yêu cầu. Nguồn kinh phí được bố trí từ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước của Bộ GTVT.

Kiến nghị trên đang trong thời gian chờ Bộ Tài chính xin ý kiến Bộ KH-ĐT và Bộ Tư pháp. Trong thời gian này, Bộ GTVT cho rằng dự án bị hư hỏng, xuống cấp chưa có tiền để sửa.

Đề xuất trên của Bộ GTVT không nhận được sự ủng hộ từ giới chuyên gia. PGS.TS Nguyễn Đình Thám – nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội nói thẳng: “Bộ GTVT đừng của người phúc ta”.

Vị chuyên gia phân tích:

Đầu tiên phải khẳng định, với những dự án BOT còn trong thời hạn đang thu phí, trách nhiệm duy tu, bảo trì thuộc về chủ đầu tư dự án BOT phải chi trả.

Tiếp theo, khi hết thời hạn thu phí, dự án phải chuyển giao lại cho nhà nước. Lúc này, dự án chuyển sang giai đoạn 2, nhà nước tiếp quản, quản lý, vận hành và khai thác dự án.

Đây cũng là giai đoạn Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm bảo quản công trình thuộc dự án khi đã hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Tuy nhiên, trước khi tiếp nhận dự án được bàn giao lại từ nhà đầu tư sau khi hết thời gian thu phí cần phải làm rõ những nguyên tắc sau:

Thứ nhất, về phía nhà đầu tư BOT, dự án bàn giao phải là dự án tốt. Việc này sẽ được quy định rất rõ trong hợp đồng BOT đã ký kết giữa nhà đầu tư BOT với cơ quan quản lý nhà nước.

Dự án BOT được chuyển giao khi hết thời hạn thu phí phải được duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm chất lượng vận hành, khai thác tương đương (khoảng 80-90% chất lượng) dự án ban đầu. Không thể bàn giao một dự án đã bị xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được.

“Việc tiếp nhận dự án phải được tiến hành trên cơ sở thành lập hội đồng nghiệm thu. Những đánh giá của hội đồng nghiệm thu về kỹ thuật, chất lượng dự án… là các tiêu chí đánh giá bắt buộc. Việc này phải được làm kỹ lưỡng, cẩn thận giống như khi thực hiện bàn giao một dự án mới.

Trong quá trình nghiệm thu, hội đồng nghiệm thu sẽ có đánh giá các tiêu chuẩn bàn giao có đạt yêu cầu không. Nếu không đạt yêu cầu, chủ đầu tư BOT phải thực hiện hoàn thiện, khắc phục triệt để trước khi bàn giao lại cho ban quản lý dự án mới (là Bộ GTVT) tiếp nhận. Không thể bàn giao một dự án đã hết date, hư hỏng, không sử dụng được”, PGS Nguyễn Đình Thám nói rõ.

Thứ hai, về phía Bộ GTVT, cơ quan này sẽ có trách nhiệm tiếp quản, quản lý và vận hành và sửa chữa dự án sau thời gian tiếp nhận. Nguồn kinh phí sửa chữa, bảo trì từ thời điểm này được trích từ quỹ bảo trì đường bộ do người tham gia giao thông đóng góp hàng năm.

“Trách nhiệm của Bộ GTVT là chỉ tiếp nhận dự án được bàn giao trong tình trạng đã được bảo trì, bảo dưỡng, bảo đảm đạt yêu cầu tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí như một dự án mới. Không thể tiếp nhận một dự án hư hỏng, xuống cấp, nhà đầu tư không chịu bảo dưỡng, duy tu rồi lại xin lấy tiền ngân sách để sửa chữa được. Như vậy là vô lý, vô trách nhiệm.

Vô trách nhiệm trong đánh giá, tiếp quản dự án.

Vô lý vì vơ việc, lấy tiền ngân sách để làm thay việc của nhà đầu tư BOT.

Xin bảo trì dự án BOT do nhà đầu tư BOT không bảo trì hoặc bảo trì không tới nơi không khác nào Bộ GTVT đang xin thêm tiền, xin dự án hoặc lại lý do kéo dài thời gian cho nhà đầu tư BOT thu phí.

Nếu đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT, rất có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu: Nhà đầu tư bàn giao dự án BOT thế nào cũng được, hư hỏng nhà nước lại bỏ tiền để sửa. Như vậy là đi ngược với chủ trương kêu gọi đầu tư BOT, đó là nhà đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bàn giao lại cho nhà nước một dự án như công trình mới”, PGS Nguyễn Đình Thám nói rõ.

Trong trường hợp này, vị chuyên gia cho rằng không nhân nhượng với những nhà đầu tư BOT chưa hoàn thành trách nhiệm với dự án, với nhà nước. Bộ GTVT không những có quyền từ chối dự án BOT bàn giao kém chất lượng mà với những nhà đầu tư này còn cần có biện pháp xử phạt mạnh tay, yêu cầu khắc phục, bồi thường theo đúng quy định.

Trước hết là phải bồi thường việc chậm trệ bảo trì, làm ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả vận hành, khai thác dự án.

Tiếp đến là phạt dựa trên tỉ lệ hư hỏng, xuống cấp của dự án tại thời điểm được bàn giao.

“Từ thời phong kiến, khi giao trâu cho người dân cũng đã có quy định rất rõ, sau thời hạn 3 ngày sử dụng và phải bàn giao lại cho người khác thì con trâu được bàn giao phải béo, khỏe, to hơn chứ không phải bàn giao một con trâu ốm, còi, không còn khả năng lao động”, PGS Nguyễn Đình Thám so sánh và nói rõ bàn giao dự án BOT cũng phải được thực hiện trên nguyên tắc này.

“Trong trường hợp Bộ GTVT cố tình xin nhận những dự án BOT được bàn giao kém chất lượng thì phải tự chịu trách nhiệm, không thể “của người phúc ta”, lấy tiền quỹ, tiền thuế người dân đóng góp để làm phúc cho doanh nghiệp được”, PGS Nguyễn Đình Thám nói thẳng thắn.

Lam Lam/Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Nhà đầu tư BOT đường tránh TP Thanh Hóa than không có tiền đại tu, sửa mặt đường. Ảnh: VNN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-gtvt-xin-bao-quan-bot-xuong-cap-cua-nguoi-phuc-ta-3433851/