Bộ GTVT nói về trách nhiệm khi các dự án metro đang chậm tiến độ

Theo Bộ GTVT, các dự án metro đang triển khai tại Hà Nội và TP.HCM thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị (metro) tại thành phố Hà Nội và TP.HCM, phục vụ giải trình và trả lời chất vất của đại biểu Quốc hội khóa XV.

Các dự án được đề cập gồm: Nhổn – ga Hà Nội, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (Hà Nội) và Bến Thành – Suối Tiên, Bến Thành – Tham Lương (TP.HCM).

Theo Bộ GTVT, dự án metro Nhổn – ga Hà Nội thực hiện trong giai đoạn từ năm 2008-2022, nhưng đến nay đạt gần 74,5% tiến độ (trong đó đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn đi ngầm đạt 33%) và dự kiến điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án đến tháng 12/2027.

Dự án gặp khó khăn, vướng mắc do công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Các gói thầu phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định từ phía nhà tài trợ, với các yêu cầu ràng buộc theo Hiệp định vay vốn đan xen khác nhau, nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Công tác GPMB trên địa bàn Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, thi công trên các tuyến giao thông có mật độ giao thông lớn, mặt bằng bàn giao từng phần dẫn đến tiến độ kéo dài.

“Năng lực của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án trong việc quản lý dự án có còn hạn chế. Sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác GPMB. Tổng mức đầu tư dự án tăng, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh”, theo Bộ GTVT.

Đối với dự án metro Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (chưa triển khai xây dựng), cũng có các tồn tại như dự án Nhổn – ga Hà Nội. Hiện dự án đang phải điều chỉnh vị trí quy hoạch, thiết ga ngầm đi qua khu vực Hồ Hoàn Kiếm nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. UBND TP. Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến hoàn thành điều chỉnh trong tháng 9/2022.

Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành vào quý IV/2023

Phân định rõ trách nhiệm

Tương tự, tại TP.HCM, dự án Bến Thành – Suối Tiên thực hiện giai đoạn 2017-2021 nhưng đến nay mới đạt 90,6% tiến độ và dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV năm 2023.

“Dự án gặp một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai: Thẩm định dự toán phát sinh, đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng; công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài; gói thầu tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống; cơ chế tài chính về vốn ODA cấp phát trung hạn cho dự án; ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19”, theo báo cáo của Bộ GTVT.

Cũng như dự án metro tại Hà Nội, dự án gặp khó khăn còn do năng lực hạn chế của chủ đầu tư/ban quản lý dự án; sự lúng túng của địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành giải quyết khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác GPMB.

Đối với dự án Bến Thành – Tham Lương, triển khai trong giai đoạn năm 2011 – 2026, đến nay mới hoàn thành công tác thi công gói thầu CP1 “Xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương”, các gói thầu chính còn lại của dự án đang chuẩn bị triển khai lựa chọn nhà thầu.

Nội dung báo cáo của Bộ GTVT cũng đề cập vấn đề trách nhiệm đối với tình hình triển khai các dự án trên. Trong đó nêu rõ, các dự án metro đang được triển khai tại Hà Nội do UBND TP. Hà Nội, các dự án metro tại TP.HCM do UBND TP.HCM quyết định đầu tư, giao cho các Ban quản lý dự án trực thuộc thành phố làm chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND thành phố thẩm định hồ sơ thiết kế.

“Do đó, toàn bộ công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình thực hiện các dự án đều thuộc thẩm quyền của UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM. Bộ GTVT với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành trong việc theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện giám sát đánh giá đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và sẽ tiếp tục phối hợp với hai thành phố, các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ UBND hai thành phố trong quá trình triển khai thực hiện để đưa các dự án vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra”, báo cáo của Bộ GTVT nêu.

Quy mô thiết kế các dự án metro

Dự án metro Nhổn – ga Hà Nội có chiều dài12,5km (8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm), với 8 nhà ga trên cao và 4 ga ngầm, 1 khu Depot. Hà Nội dự kiến hoàn thành, đưa 8,5km trên cao vào khai thác vận hành vào cuối năm 2022; toàn tuyến vào cuối năm 2027.

Dự án Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo có chiều dài tuyến 11,5 km (8,5 km đi ngầm, 3 km đi trên cao) với 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Do có nhiều ý kiến phản đối về vị trí đặt ga gầm C9 gây ảnh hưởng đến di tích danh thắng Hồ Hoàn Kiếm, nên đang trong quá trình điều chỉnh vị trí, thiết kế ga và chủ trương đầu tư.

Dự án Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM) có chiều dài 19,7 km (đi ngầm 2,6 km; đi trên cao 17,1 km) với 14 nhà ga (03 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao và 1 Depot). Dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV năm 2023.

Dự án Bến Thành – Tham Lương có chiều dài 11,042 km (đi ngầm 9,091 km; đi trên cao 1,951 km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Thời gian triển khai dự án từ năm 2011 – 2026.

Huy Lộc – Tạp chí GTVT

Theo Giao Thông Vận Tải

Ảnh: Dự án metro Nhổn – ga Hà Nội dự kiến khai thác đoạn 8,5km trên cao vào cuối năm 2022

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tapchigiaothong.vn/bo-gtvt-noi-ve-trach-nhiem-khi-cac-du-an-metro-dang-cham-tien-do-d95911.html