Bộ GTVT cho hay đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và chỉ ra các vi phạm về chất lượng công trình.
“Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra và chỉ ra các tồn tại, sai sót của dự án…”.
Liên quan đến công tác giám sát, kiểm tra dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), cho biết như trên.
Thực hiện hơn 40 cuộc thanh tra, kiểm tra
Theo ông Phan Quang Hiển, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án quan trọng quốc gia. Do vậy, theo quy định hiện hành, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (do bộ trưởng Bộ Xây dựng làm chủ tịch hội đồng – PV) có trách nhiệm kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình…
Ông Hiển cũng cho biết trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, Bộ GTVT đã thực hiện ba cuộc thanh tra. Đồng thời, lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan tham mưu của bộ thực hiện khoảng 40 cuộc kiểm tra.
Tại các đợt thanh tra , kiểm tra, Bộ GTVT có chỉ ra các sai sót của VEC và các đơn vị liên quan, sau đó yêu cầu khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, việc thí nghiệm đánh giá chất lượng vật liệu, chất lượng xây dựng công trình không thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Do vậy, tại các đợt kiểm tra, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT chỉ có thể chỉ ra các vi phạm về chất lượng công trình xác định được bằng trực quan, hoặc nghi ngờ về chất lượng tại một số bộ phận, hạng mục công trình. Từ đó, yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định kiểm tra, đánh giá và xử lý theo quy định” – ông Hiển cho hay.
Một số quy định chưa chặt chẽ
Về việc VEC chia nhỏ các gói thầu cho thầu phụ và để xảy ra bất cập như Bộ Công an chỉ ra trong báo cáo gửi Thủ tướng, ông Phan Quang Hiển cho biết: Theo quy định pháp luật trong nước về đấu thầu và xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải sử dụng nhà thầu phụ trong nước (trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu). Nhà thầu chính chịu trách nhiệm lựa chọn, sử dụng các nhà thầu phụ có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc được giao.
Vẫn theo ông hiển, một hợp đồng thầu chính có thể có nhiều hợp đồng thầu phụ nhưng nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện…
“Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của nhà thầu chính. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện” – ông Chính nhấn mạnh.
Ông hiển lý giải nhà thầu phụ do nhà thầu chính đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng tùy thuộc nhu cầu, yêu cầu tiến độ thi công xây dựng và được chủ đầu tư xem xét, chấp thuận. Tại các quy định pháp luật hiện nay không hạn chế việc nhà thầu chính giao cho các nhà thầu phụ thực hiện các hạng mục chính của gói thầu.
Đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, trong quá trình thực hiện, VEC là chủ đầu tư có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét, chấp thuận nhà thầu phụ theo đề xuất của nhà thầu chính. Song song đó, VEC có quyền kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công việc của nhà thầu chính và nhà thầu phụ. VEC có quyền yêu cầu nhà thầu chính thay thế nhà thầu phụ nếu nhà thầu phụ không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ.
“Các bất cập, tồn tại, sơ hở đã được Bộ Công an nêu rõ là do chủ đầu tư dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật về xây dựng” – ông Hiển khẳng định.
Rà soát, xác định nguyên nhân xảy ra bất cập
Ông Phan Quang Hiển cho rằng ngoài những nguyên nhân chủ quan nói trên, các bất cập xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng có một số nguyên nhân khách quan khác. Điển hình như dịch vụ tư vấn thiết kế bước thiết kế kỹ thuật dự án sử dụng nguồn vốn dư của dự án nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ vốn vay Ngân hàng Thế giới (dự án WB4). Công tác này cần hoàn thành và giải ngân sớm trước khi hiệp định vay vốn hết hiệu lực nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn này.
Cụ thể, sau khi dịch vụ tư vấn thiết kế bước thiết kế kỹ thuật được duyệt, chủ đầu tư xác nhận hoàn thành và nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu tư vấn thiết kế. Do đó, nhà đầu tư không có kinh phí để huy động tư vấn thiết kế thực hiện công tác điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và giám sát tác giả sau này.
Ngoài ra, trong các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về điều kiện năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu phụ tham gia dự án; chưa quy định nhà thầu phụ không được thi công các hạng mục chính; chưa quy định về số lượng nhà thầu phụ…
Về phạm vi trách nhiệm của Bộ GTVT, ông Hiển cho hay ngay sau khi nhận được kết luận điều tra của Bộ Công an, Ban cán sự đảng Bộ GTVT và bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành các chỉ thị khắc phục tình trạng trên.
Cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan, báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT điều chỉnh các quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình, quản lý hợp đồng…
“Chúng tôi cũng sẽ rà soát, xác định các nguyên nhân để xảy ra các bất cập, tồn tại, sơ hở trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi như đã nêu tại báo cáo của Bộ Công an gửi Thủ tướng. Từ đó, chúng tôi có phương án để kịp thời chấn chỉnh đối với các dự án đang và sắp triển khai” – ông Hiển cho hay.•
Nhiều kiến nghị khắc phục lỗ hổng
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công an cho rằng đến nay cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố đối với 19 bị can liên quan ở VEC, ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công.
Tuy nhiên, để kịp thời chấn chỉnh các lỗ hổng như bộ đã báo cáo Thủ tướng, bộ đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đấu thầu, thi công, giám sát, thanh quyết toán… của dự án. Từ đó khắc phục những sơ hở, thiếu sót, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
Sau mưa lớn, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện ổ gà, dùng tay có thể bốc lên. (ảnh chụp tháng 3-2019) Ảnh:THANH NHẬT
Đặc biệt, cơ quan chức năng cần quy định ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập, giám sát chuyên môn của nhà thầu thiết kế, giám sát, thi công trong suốt quá trình triển khai thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án.
Bộ Công an cũng kiến nghị trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cần thể chế hóa, quy định cụ thể về năng lực, tài chính, nhân sự, phương tiện máy móc, thiết bị, điều kiện tham gia dự án của nhà thầu phụ… Tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu, nhà thầu chính giao cho nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực thực hiện dẫn đến không kiểm soát được chất lượng công trình.
Đối với công tác thiết kế bản vẽ thi công và thí nghiệm kiểm tra chất lượng vật liệu, Bộ Công an cho rằng cần có sự nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung này cho phù hợp.
“Công tác này phải trên nguyên tắc hoạt động độc lập của các đơn vị tham gia dự án nhằm tạo
ra sự khách quan trong công tác thiết kế, nghiệm thu chất lượng vật liệu đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế của dự án…” – Bộ Công an nêu rõ.
Theo PLO.VN
Ảnh: Công nhân sửa chữa trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hồi tháng 10-2019. Ảnh: TẤN VIỆT
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/do-thi/bo-gtvt-noi-ve-sai-pham-o-cao-toc-34000-ti-951848.html