Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh dài 115 km, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Lạng Sơn dài 52 km; đoạn đi qua Cao Bằng dài 63 km.
Bộ GTVT vừa có công văn số 6392/BGTVT – KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ về kiến nghị được áp dụng một số cơ chế thực hiện Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh của UBND tỉnh Cao Bằng.
Bộ GTVT cho biết, các đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có thẩm quyền quyết định thuộc các cấp khác nhau.
Vì vậy, để có thể triển khai thực hiện, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng bổ sung các luận chứng, đánh giá tác động của các đề xuất làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cũng tại công văn số 6392, Bộ GTVT khẳng định do Đề án “Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030” đang được các cơ quan liên quan xem xét, rà soát để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận. Do đó, các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù tại Đề án này chưa đủ cơ sở để áp dụng.
“Về nguyên tắc, Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nói riêng và các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai khi chuẩn bị đầu tư vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng về việc tách phần giải phóng mặt bằng (khoảng 1.000 tỷ đồng) thành dự án độc lập, sử dụng vốn ngân sách địa phương và không tính vào tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia vào Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Bộ GTVT cho rằng hiện Luật PPP không có quy định tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Bên cạnh đó, theo Điều 69 Luật PPP quy định về vốn nhà nước được sử dụng cho các mục đích: Hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP; thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công hình tạm; chi trả phần giảm doanh thu; chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, đơn vị chuẩn bị dự án PPP, bên mời thầu để thực hiện các hoạt động thuộc nhiệm vụ của mình quy định tại Điều 11 của Luật này; chi phí của Hội đồng thẩm định dự án PPP, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định dự án PPP.
“Như vậy việc chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng là một phần của vốn ngân sách nhà nước. Do đó, đề xuất không tính phần vốn này vào tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia vào Dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, Bộ GTVT nêu quan điểm.
Trước đó, vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Cao Bằng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất áp dụng một số cơ chế thực hiện Dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); giải ngân vốn đầu tư công; phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho tỉnh được tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, do Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, đã có ý kiến các Bộ, ngành khi bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, HĐND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết bố trí vốn ngân sách địa phương. Do vậy nếu UBND tỉnh Cao Bằng được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trên cơ sở thẩm định của Bộ quản lý công trình chuyên ngành và ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn hoặc tư vấn thẩm tra độc lập trước khi phê duyệt nhằm giảm bớt thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng cho phép tách phần giải phóng mặt bằng (khoảng 1.000 tỷ đồng) thành dự án độc lập, sử dụng vốn ngân sách địa phương và không tính vào tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia vào Dự án.
“Phần vốn ngân sách địa phương tham gia để giải phóng mặt bằng: đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Cao Bằng vay lại từ nguồn trái phiếu chính phủ cho phần giải phóng mặt bằng, do tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, khả năng phát hành trái phiếu địa phương còn nhiều hạn chế”, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị.
Để hỗ trợ việc huy động vốn tín dụng Dự án, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất Thủ tướng cho phép phần vốn huy động của nhà đầu tư được vay trong gói tín dụng ưu đãi do Chính phủ hình thành để cung cấp vốn tín dụng cho Đề án thực hiện xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Cùng với các kiến nghị trên, để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, thu hút nhà đầu tư và phát huy hiệu quả đầu tư, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, giao quyền cho địa phương trong việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp… thuộc phạm vi tuyến cao tốc đi qua đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ngày 25/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành cho Dự án theo Luật PPP tại Quyết định số 774/QĐ-TTg.
Quá trình thực hiện Dự án, với UBND tỉnh Cao Bằng, cân nhắc nguồn lực, tìm mọi giải pháp tối ưu hóa hướng tuyến, tối ưu hóa tổng mức đầu tư, đã được hóa giải bằng công nghệ hầm xuyên núi, cầu vượt thung lũng giảm tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng xuống còn 22.920 tỷ đồng. Không dừng lại đó, Dự án tiếp tục được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 để triển khai trong giai đoạn năm 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư còn 13.740 tỷ đồng.
Theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh dài 115 km, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Lạng Sơn dài 52 km; đoạn đi qua Cao Bằng dài 63 km.
Anh Minh – Báo Đầu Tư
Theo Đầu Tư
Ảnh: Một phương án kiến trúc cầu Sao La trên tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Xem bài viết gốc tại đây: