Bộ GTVT – JICA thí điểm công nghệ phòng chống sạt lở mái dốc đường bộ

Chiều nay (18.1), mái ta-luy số 7, đồi Đặng Bá Hát, ngay chân cầu Bãi Cháy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tập đoàn SE (Nhật Bản) lần đầu tiến hành thí điểm công nghệ neo đất của Nhật Bản để phòng chống sạt lở mái dốc các tuyến đường bộ.

Đây là một phần trong dự án hỗ trợ công nghệ phòng chống sạt lở mái dốc các tuyến đường bộ tại Việt Nam.

Các mái ta-luy xung quanh đồi Đặng Bá Hát lâu nay vẫn xảy ra sạt lở đất, đá, ảnh hưởng tới giao thông trên cầu Bãi Cháy và đường từ cầu xuống trung tâm thành phố.

Tại mái taluy số 7, ngay chân cầu Bãi Cháy, dự án sẽ sử dụng công nghệ neo đất vĩnh cửu (SEEE) đã được sử dụng thành công ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan để xử lý tình trạng sạt lở bền vững.

Việc xử lý sạt lở mái taluy số 7 đang được các chuyên gia Nhật Bản triển khai theo công nghệ neo đất vĩnh cửu (SEEE). Ảnh: Nguyễn Hùng

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi thí điểm, các cơ quan chức năng sẽ kiểm chứng, so sánh với các công nghệ hiện đang được áp dụng, nếu phù hợp sẽ áp dụng rộng rãi neo đất SEEE tại các công trình đường bộ tại Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có khoảng 30% các tuyến đường bộ của Việt Nam đi qua địa hình đồi núi. Trong khi đó, các mái dốc nằm hai bên đường chủ yếu đang được áp dụng các giải pháp tạm thời nhằm ngăn ngừa hiện tượng sụt trượt đất dễ phát sinh vào mùa mưa. Trong nhiều năm qua, nhiều trường hợp sụt trượt tái phát sau khi xử lý đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông.

Việc xử lý tình trạng sạt lở mái taluy số 7, đồi Đặng Bá Hát, Tp.Hạ Long dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 5.2019.

Nguyễn Hùng – Báo Lao Động

Theo Lao Động

Ảnh: Vị trí mái taluy số 7 đồi Đặng Bá Hát đang bị sạt lở. Ảnh: Nguyễn Hùng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodong.vn/giao-thong/bo-gtvt–jica-thi-diem-cong-nghe-phong-chong-sat-lo-mai-doc-duong-bo-653029.ldo