Bộ GTVT cho rằng dự án Bến Thành Suối Tiên và Bến Thành – Tham Lương ở TP.HCM đều có những tồn tại, hạn chế.
Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Bộ GTVT có đề cập đến hai dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM gồm Bến Thành – Suối Tiên và Bến Thành – Tham Lương.
Cụ thể, về dự án Bến Thành – Suối Tiên (do TP.HCM triển khai), đến nay tiến độ đạt đạt 90,6%. Hiện dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV năm 2023, trễ hơn hai năm so với kế hoạch.
Theo Bộ GTVT, quá trình triển khai tuyến này còn một số tồn tại, hạn chế trong việc thẩm định dự toán phát sinh, đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng; năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng còn hạn chế trong việc quản lý các dự án có công nghệ phức tạp. Cạnh đó là sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với tuyến Bến Thành – Tham Lương, triển khai từ 2011 – 2026, đến nay đã hoàn thành công tác thi công gói thầu CP1 “Xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương”. Các gói thầu chính còn lại của dự án đang chuẩn bị triển khai lựa chọn nhà thầu.
Dự án này có hạn chế tương tự tuyến Bến Thành – Suối Tiên. Chẳng hạn công tác giải phóng mặt bằng chậm, đến nay mới đạt 84,47%. Tổng mức đầu tư dự án tăng, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh.
“Hiện tại, UBND TP.HCM đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh gia hạn thời gian giải ngân cho dự án, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án và hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư…”- Bộ GTVT cho hay.
Về trách nhiệm của các hạn chế trên, Bộ GTVT khẳng định những dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại TP.HCM đều do UBND TP.HCM quyết định đầu tư, giao cho các Ban quản lý dự án trực thuộc thành phố làm chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc địa phương thẩm định hồ sơ thiết kế. Do đó, toàn bộ công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình thực hiện các dự án đều thuộc thẩm quyền của chính quyền TP.HCM.
Bộ GTVT với vai trò là bộ quản lý chuyên ngành trong việc theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình, thực hiện giám sát đánh giá đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tới đây bộ sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương, các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để đưa các dự án vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra.
Theo chương trình kỳ họp thứ 3, từ ngày 7-6 đến ngày 9-6, Quốc hội có phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng và ba bộ trưởng
Trong đó, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ sẽ trả lời chất vấn nội dung về tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.
Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.
Viết Long – Đức Minh – Báo PLO.VN
Theo PLO.VN
Ảnh: Dự án metro tại TP.HCM. Ảnh: PLO.VN
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/bo-giao-thong-van-tai-bao-cao-quoc-hoi-2-du-an-metro-o-tp-hcm-post683420.html