Bộ Giao thông nghiên cứu hai phương án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan và tư vấn nghiên cứu, làm rõ 2 phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, theo hướng ‘cắt ngang’ và ‘bổ dọc’.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì họp với các đơn vị liên quan về tình hình triển khai nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Theo đó, dự kiến trong tháng 1/2019, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong báo cáo, ông Thể yêu cầu liên danh tư vấn Tedi-Tricc- Tedisouth cần làm rõ 2 phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao. Phương án 1 là đầu tư theo mô hình “cắt ngang”, với ưu tiên đầu tư trước chặng Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM như đề xuất của tư vấn (Liên danh Tedi-Tricc- Tedisouth) trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu của tư vấn nước ngoài hơn chục năm gần đây.

Phương án 2 là đầu tư “bổ dọc”, theo đề xuất của GS. Lã Ngọc Khuê, với việc đầu tư trước hạ tầng toàn tuyến Bắc – Nam, khai thác trước bằng đầu máy diesel, rồi từng bước đầu tư điện khí hóa.

Ông Thể yêu cầu, cả 2 phương án đều phải căn cứ trên những thống kê, số liệu khách quan, trung thực của các đơn vị nghiên cứu, tổ chức, chuyên gia khoa học để đưa ra kết luận, đề xuất. Nội dung báo cáo phải đầy đủ các dữ liệu, phụ lục để chứng minh, giải trình.

Đồng thời, báo cáo nghiên cứu phải làm rõ các phương án chọn công nghệ, hạng mục kêu gọi đầu tư xã hội hóa, kinh phí đầu tư, khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam…

Trước đó, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để góp ý vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Trong đó, các báo cáo đều đưa ra phương án đầu tư trước 2 đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TPHCM, trong giai đoạn 2020-2030. Sau đó đầu tư kết nối toàn tuyến trong giai đoạn tới năm 2040.

Tuy nhiên, tại hội nghị mở rộng cuối tổ chức tháng 11/2018, GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng GTVT bất ngờ đưa ra lựa chọn khác cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo GS Khuê, nếu đầu tư trước 2 đoạn (cắt ngang) như tư vấn đề xuất sẽ tốn 26 tỷ USD, trong khi nếu giai đoạn 1 đầu tư hạ tầng toàn tuyến (bổ dọc) sẽ chỉ mất 24 tỷ USD.

Khi phần hạ tầng đường sắt cao tốc Bắc – Nam xong (đường ray, nhà ga), trước mắt có thể đầu tư các đoàn tàu chạy bằng đầu máy diesel, với tốc độ khai thác khoảng 130km/h. Nếu vậy, hành khách đi Hà Nội – TPHCM chỉ hết 12 giờ. Thời gian khai thác tàu diesel khoảng 15 năm. Trong thời gian này vẫn tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các công đoạn còn lại của đường sắt tốc độ cao điện khí hóa.

GS Khuê đưa ra các tính toán chứng minh cách đầu tư bổ dọc sẽ giúp dự án hiệu quả hơn, giảm rủi ro tài chính trong suốt quá trình đầu tư.

Tư vấn đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nối Hà Nội – TPHCM, chiều dài 1.500km, đi qua 20 địa phương với 23 nhà ga. Dự án dùng công nghệ đoàn tàu, vận tốc thiết kế 350km/h. Tổng vốn đầu tư hơn 58 tỷ USD.

Lê Hữu Việt – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Trong tháng 1 này Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/kinh-te/bo-giao-thong-nghien-cuu-hai-phuong-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-1367450.tpo