Bộ GDĐT chính thức lên tiếng về đề thi học sinh giỏi quốc gia 2019.

Sau Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019, giới chuyên môn đã dấy lên nhiều cuộc bàn tán về đề thi các môn học, mà phần lớn chưa hài lòng về chất lượng đề thi; Trong đó đề thi môn Toán, Văn nhận nhiều ý kiến tranh cãi nhất.

Trong các ngày từ 13 – 15/1, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT cho hơn 4.500 học sinh trên cả nước, ở 12 môn thi. Cả nước có 71 đơn vị dự thi, trong đó, có 63 đơn vị dự thi của 63 tỉnh, thành phố và 8 đơn vị dự thi của các cơ sở giáo dục đào tạo

Đề thi học sinh giỏi quốc gia 2019 môn Văn

Trước thông tin phản ánh về đề thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019 quá dài và khó, không mới mẻ và là sự cắt ghép từ nhiều đề thi trước đó, cách thức tổ chức vẫn theo lối mòn và tạo áp lực cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có thông tin chính thức phản hồi về sự việc này.

Theo Bộ GDĐT, khi nhận được các thông tin phản ánh từ báo chí xung quanh việc tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng – đơn vị được giao chủ trì tổ chức Kỳ thi – tiến hành kiểm tra, rà soát các nội dung được phản ánh.

Quan điểm mà Bộ GD&ĐT đưa ra, thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Đề thi học sinh giỏi quốc gia 2019 môn Toán

Về công tác đề thi, đơn vị này cho rằng, kỳ thi đáp ứng mục đích tổ chức thi nêu trên, được thực hiện với quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt với nhiều yêu cầu cao. Đề thi có nội dung nằm trong chương trình giáo dục phổ thông và nội dung dạy học các môn chuyên của trường trung học phổ thông chuyên do Bộ GD&ĐT ban hành, hướng dẫn. Theo đó, đề phải đảm bảo tính chính xác khoa học, bao quát được nội dung dạy học; có độ tin cậy, độ giá trị, được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; đánh giá đúng năng lực học sinh giỏi và phân loại được thí sinh.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo về đề thi. Song, để đánh giá chính xác chất lượng đề thi, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho rằng, phải dựa vào phân tích thống kê kết quả thi sau khi chấm thi.

Được biết, Bộ GD&ĐT đang triển khai các công đoạn của quy trình chấm thi theo quy định của Quy chế. Bộ sẽ mời các chuyên gia, nhà giáo giỏi có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan.

Đồng thời, Bộ đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Thu Hiền

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Lễ ra quân Kỳ thi tuyển chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong- TP.HCM