Bình Dương tái sử dụng nước thải công nghiệp đã qua xử lý

Ngày 23.1, Công ty cổ phần xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh đã chính thức công bố tái sử dụng nước thải công nghiệp đã qua xử lý. Đây là kết quả từ nhà máy xử lý nước thải do Công ty Hằng Hữu Huỳnh đầu tư tại khu công nghiệp Sóng Thần 2.

Ông Huỳnh Uy Dũng (tên thân mật là Dũng “lò vôi”) – Chủ tịch HĐQT Công ty Hằng Hữu Huỳnh – cho biết: “Nước thải ra từ các nhà máy trong khu công nghiệp sẽ được tập kết về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tại đây, chúng tôi áp dụng phương pháp vi sinh (do chính người Việt Nam xây dựng nên), theo một quy trình xử lý khoa học… Qua đó, nước thải sẽ trở về tiêu chuẩn cho phép để tái sử dụng, phục vụ cho sản xuất”.

Kết quả thử nghiệm hoàn toàn đáp ứng các chỉ số tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên – Môi trường và tiêu chuẩn của Bộ Y tế về nước sinh hoạt phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống con người…

Một góc nhà máy xử lý nước thải tại KCN Sóng Thần 2. Ảnh: V.T.V

Ông Huỳnh Uy Dũng là doanh nhân tiên phong, đặt nền móng cho việc phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Nay, trước tình hình phát triển của các khu công nghiệp; đồng thời, hiện tượng ô nhiễm môi trước do nước thải các khu công nghiệp cũng gia tăng; ông Dũng đã tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng, phục vụ trở lại cho sản xuất, đời sống con người.

Trong giai đoạn 2018-2021, Công ty Hằng Hữu Huỳnh dự kiến sẽ đầu tư 10.000 tỉ đồng xây dựng khoảng 100 nhà máy xử lý nước thải trên cả nước (ưu tiên đặc biệt cho các điểm nóng về ô nhiễm môi trường).

Nhà máy xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp vi sinh. Ảnh: V.T.V

Được biết vào ngày 26.1 tới, nhà máy xử lý nước thải đầu tiên (vốn đầu tư 100 tỉ đồng) sẽ được Công ty Hằng Hữu Huỳnh khánh thành tại khu công nghiệp Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương. Nhà máy này có thể xử lý tối thiểu 10.000 m3 và tối đa là 18.000 m3 mỗi ngày đêm. Đây là nhà máy kiểu mẫu đầu tiên của Việt nam xử lý nước thải công nghiệp thành nước tái sử dụng trở lại, phục vụ cho sản xuất tại các doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, hiện cả nước có 615 cụm công nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Có khoảng 300 khu công nghiệp, với lưu lượng xả thải trên 2 triệu m3/ngày, nhưng chỉ có khoảng 60% lượng nước thải được xử lý… Hiện có khoảng 70% lượng nước thải chưa được xử lý triệt để.

Nước thải sau đó được xả thẳng ra ao, hồ, sông, suối…; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng năm, trên cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện mắc bệnh ung thư do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Đông Anh – Báo Lao Động

Theo Lao Động

Ảnh: Nước thải công nghiệp hiện đang được xả thẳng ra kênh Ba Bò, tỉnh Bình Dương. Ảnh: C.H

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodong.vn/xa-hoi/binh-duong-tai-su-dung-nuoc-thai-cong-nghiep-da-qua-xu-ly-654062.ldo