Bình Dương: Ngang nhiên xây dựng trái phép trên đất đang tranh chấp

(Phapluatmoitruong.vn) – Mặc dù đã bị UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo kiểm tra và yêu cầu ngừng thi công nhưng các công trình tại thửa đất số 735, tờ bản đồ số 39 của ông Nguyễn Viết Thảo vẫn tiếp tục xây dựng trái phép.

Ngang nhiên tái diễn việc xây dựng không phép

Nhận được phản ánh của người dân về tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, ngày 12/4/2024, PV Môi trường & Đô thị điện tử đã có mặt và ghi nhận tại thửa đất số 735, tờ bản đồ số 39, ấp Trảng Sắn có hàng loạt công trình bê tông kiên cố đã và đang được xây dựng.

Cụ thể, tại đây có nhiều hạng mục bê tông kiên cố với phần móng tường xây, đà kiềng bê tông cốt thép, nhiều trụ cột thép và phần tường bê tông dài 126 m, rộng 20 cm đã được xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều người với các máy móc, thiết bị vẫn đang hoạt động và phục vụ cho việc thi công các công trình có liên quan.

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Trước đó, vào ngày 21/3/2024 UBND xã Vĩnh Hòa cùng Đội Thanh tra số 6 (Thanh tra Sở Xây dựng) đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản, yêu cầu ông Nguyễn Viết Thảo (chủ thửa đất) ngưng xây dựng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Trong biên bản, ông Thảo cũng đã cam kết ngưng việc thi công”.

Biên bản kiểm tra ngày 21/3/2024 của UBND xã Vĩnh Hòa.

Tại thời điểm trưa ngày 12/4/2024, các công nhân vẫn đang tập trung làm việc.

Tuy nhiên, đến thời điểm PV có mặt (vào lúc 11:00 ngày 12/4/2024), tình trạng xây dựng trái phép vẫn tiếp diễn, điều đáng nói là việc này diễn ra ngay giữa ban ngày nhưng không thấy sự can thiệp của cơ quan chức năng?!

Xây dựng không phép trên đất đang tranh chấp

Theo tìm hiểu, đây còn là thửa đất đang trong quá trình tranh chấp và được TAND tỉnh Bình Dương thụ lý theo Thông báo thụ lý vụ án số 48/TBTL-TA ngày 20/3/2023 và số 50/TBTL-TA ngày 06/9/2023 của TAND tỉnh Bình Dương về “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Theo Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Cụ thể, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Bức tường bê tông có chiều ngang 20 cm và lõi bằng sắt, thép.

Thông báo thụ lý vụ án số 48/TBTL-TA ngày 20/3/2023 và số 50/TBTL-TA ngày 06/9/2023 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương.

Theo đó, việc ông Thảo thực hiện việc xây dựng trên thửa đất đang tranh chấp là không đúng theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ về vụ việc, ông Lê Hoàng Toàn cho biết: “Sắp tới, UBND xã sẽ thành lập đoàn kiểm tra và sẽ có các biện pháp ngăn chặn tình trạng trên. Ngoài ra, sẽ xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu tháo dỡ các công trình sai phạm”.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Theo khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, thi công công trình xây dựng mà không có giấy phép xây dựng có thể bị phạt tiền lên đến 140 triệu đồng, thấp nhất là 60 triệu đồng.

Ngoài ra, người bị xử phạt còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình.

 

Trí Minh – Chương Hoàng

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Bức tường bê tông kiên cố dài 126 cm được xây dựng khi chưa có giấy phép và xây trên đất đang tranh chấp.