Bình Dương: DN kêu cứu vì bị hủy hợp đồng thuê mặt bằng!

(Phapluatmoitruong.vn) – Mặc dù người thuê đã xin gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng vì đã đầu tư số tiền lớn, nhưng Công ty Biconsi không chấp nhận, khiến họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. 

Tranh chấp hợp đồng cho thuê 

Theo đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ tại số 230, lô 9, cư xá Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM) cho biết, ngày 8/6/2015, ông và Công ty CP Xây dựng Tư vấn Đầu tư Bình Dương (Công ty Biconsi, số 02 Trần Văn Ơn, P. Phú Hòa, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương) có ký hợp đồng thuê mặt bằng và tài sản gắn liền số 6/2015/HĐT. Tuy nhiên, mới đây, Công ty Biconsi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê, thu giữ tài sản, tiền mặt của ông Sơn và cho người khác thuê lại mặt bằng này.

Cụ thể, theo hợp đồng, ông Sơn được thuê mặt bằng kết hợp khu sân vườn và đất trống, tổng diện tích 6.148 m2, thuộc khu dân cư thương mại dịch vụ trong khu thương mại Uyên Hưng, P. Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, Bình Dương của Công ty Biconsi, do ông Trần Hữu Lợi là người đại diện pháp luật, ký kết. Mục đích thuê là để kinh doanh nhà hàng tiệc cưới có tên Tiamo, thời hạn 10 năm.

Sau khi thuê khu mặt bằng trên, ông Sơn đã đầu tư cơ sở, trang thiết bị để phục vụ sản xuất kinh doanh, số tiền ước tính nhiều tỷ đồng.

Ngày 20/5/2019, ông Nguyễn Văn Sơn có văn bản gửi Công ty Biconsi xin được chấp thuận cho cải tạo lại khu sân vườn nhà hàng Tiamo (nằm trong diện tích đã thuê 6.148 m2) nhưng DN này không chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Sơn bức xúc: Vì có mục đích riêng nên Công ty Biconsi không đồng ý cho chúng tôi cải tạo khai thác kinh doanh tại khu vực sân vườn nhà hàng. Đây là điều hết sức vô lý, vì theo điều 5.2.1 hợp đồng, tôi được toàn quyền sử dụng diện tích 6.148 m2 cho việc kinh doanh”. 

Nhà hàng Tiamo, nơi ông Nguyễn Văn Sơn đang kinh doanh bị Công ty Biconsi tháo bỏ cho đơn vị khác thuê.

Chiếm giữ tài sản trái phép

Được biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài suốt gần 2 năm qua nên việc kinh doanh của ông Sơn gặp nhiều khó khăn và trễ hẹn thanh toán tiền thuê mặt bằng, vì vậy, Công ty Biconsi đã nhiều lần có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng với ông Sơn. Tuy nhiên, sau khi khắc phục, hai bên tiếp tục hợp tác và ông Sơn vẫn kinh doanh tại khu đất trên.

Phản ánh với báo chí, ông Sơn cho biết, trong khi hai bên còn đang giải quyết những bất đồng trong việc thực thi các điều khoản của hợp đồng, thì ngày 24/3/2021, Công ty Biconsi đã cho nhân viên phá ổ khóa, gỡ bỏ các băng rôn và chiếm giữ các tài sản trong nhà hàng ông Sơn đang kinh doanh, đồng thời chiếm giữ tiền mặt khoảng 150 triệu đồng để tại nhà hàng và cho người khác thuê lại mặt bằng. Nếu có việc chiếm giữ tài sản trái phép này (theo phản ánh của ông Sơn) rất  cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để đảm bảo lợi ích cho người kinh doanh cũng như hỗ trợ họ theo chỉ đạo của chính phủ. 

Theo hợp đồng thuê mặt bằng, ông Sơn được toàn quyền sử dụng diện tích 6.148 m2 cho việc kinh doanh.

Ông Sơn cho biết đã mạnh dạn đầu tư vào khu đất trên để hoạt động kinh doanh, từ một nơi còn vắng vẻ, nhiều năm không có doanh thu cho đến giờ thành một địa điểm kinh doanh hoạt động trong tình trạng tốt. Do vậy, ông luôn hy vọng Công ty Biconsi giữ đúng cam kết đã ký.

“Tôi được biết, ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 để đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động. Thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất… cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Công ty Biconsi lại không có thiện chí hợp tác, chia sẻ những khó khăn, khiến chúng tôi thiệt hại hàng chục tỷ đồng, hiện tôi đã có đơn khởi kiện đến TAND thị xã Tân Uyên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Đỗ Thuận

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Nhà hàng Tiamo, nơi ông Nguyễn Văn Sơn đang kinh doanh bị Công ty Biconsi tháo bỏ cho đơn vị khác thuê.