(Phapluatmoitruong.vn) – Sau phản ánh của Môi trường và Đô thị điện tử, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã lên tiếng về vụ việc cán bộ kiểm lâm “liên kết” bán gỗ trục vớt trái phép.
Báo cáo mập mờ, phủi bỏ trách nhiệm
Tại buổi làm việc tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, có Chánh thanh tra đại diện Sở NN&PTNN tỉnh, Lãnh đạo Chi cục đã thông qua bản tường trình của Hạt Kiểm lâm huyện Dầu Tiếng, tường trình của ông Hạt trưởng Trần Quang Dũng và Kiểm lâm viên Nguyễn Xuân Đô.
Tuy nhiên, theo báo cáo, Hạt trưởng Trần Quang Dũng và Kiểm lâm viên Nguyễn Xuân Đô đều phủ nhận toàn bộ chuyện “liên kết” với ông Đỗ Thành Toàn (Giám đốc Công ty TNHH MTV VLXD Đại Phát Đạt – viết tắt là Công ty Đại Phát Đạt) cũng như không lưu thông tin những người đến đặt vấn đề mua gỗ trục vớt không qua đấu giá. Đặc biệt là, những khối gỗ được trục vớt đó đã không cánh mà bay cùng sự trả lời chối bỏ trách nhiệm của phía ông Đỗ Thành Toàn khi có đoàn đến kiểm tra.
Ngày 23/8/2024, VPĐD Môi trường và Đô thị điện tử tại TP.HCM đã nhận được công văn số 525/CCKL-HCTH ngày 22/8/2024 của Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh Bình Dương nói về hướng xử lý ban đầu của vụ việc. Qua đó, để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng công văn phúc đáp này.
“Ngày 12/8/2024, CCKL đã thành lập Tổ công tác phối hợp với Công an xã Minh Hòa xác minh, kiểm tra thông tin phản ảnh của Quý báo tại Công ty Đại Phát Đạt tại, ấp Hoà Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác không phát hiện có gỗ được lưu giữ tại bãi cát của Công ty. Qua xác minh, ông Đỗ Thành Toàn đại diện Công ty xác định rằng vào khoảng đầu tháng 3 năm 2024, khi thực hiện việc khai thác cát tại lòng hồ Dầu Tiếng, Công ty có vớt được khoảng 05 (năm) cây gỗ. Do không có thời gian làm thủ tục và nhu cầu sử dụng số gỗ nói trên nên ông Toàn đã cho đẩy trả số gỗ trên về lại Lòng hồ Dầu Tiếng, gần khu vực bãi cát của Công ty. Toàn bộ quá trình này, Công ty không có thông báo cho chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm; từ thời gian đó cho đến nay, trong quá trình khai thác cát Công ty không phát hiện và trục vớt được gỗ”.
Công văn phúc đáp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương.
“CCKL đã yêu cầu ông Trần Quang Dũng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng và ông Nguyễn Xuân Đô – Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng báo cáo tường trình làm rõ các thông tin báo chí phản ánh. Qua rà soát, làm việc với các đơn vị liên quan, nội dung phản ảnh của báo chí và bản tường trình của ông Trần Quang Dũng và ông Nguyễn Xuân Đô, CCKL xét thấy ông Dũng và ông Đô đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của công chức theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật Cán bộ công chức năm 2008; Hành vi của ông Dũng và ông Đô đã vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức”, Công văn khẳng định.
Trao đổi về việc mua bán gỗ trục vớt.
Bảng giá các loại gỗ trục vớt.
Nội dung công văn trả lời của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương không đúng với thực tế những gì mà phóng viên đã ghi nhận được tại hiện trường. Chúng tôi có rất nhiều file ghi âm, ghi hình về việc mua bán gỗ trục vớt trái phép này. Số lượng không phải là 05 cây gỗ mà là hàng chục khối mà hiện nay đã được công ty Đại Phát Đạt tẩu tán đi đâu không rõ. Mặt khác, công văn cho rằng, do không có thời gian làm thủ tục và nhu cầu sử dụng số gỗ nói trên nên ông Toàn đã cho đẩy trả số gỗ đó về lại lòng hồ Dầu Tiếng là điều cực kỳ vô lý vì phía công ty Đại Phát Đạt có lên danh sách và giá bán các chủng loại gỗ chuyển cho phóng viên với hàng chục m3 chỉ trong đợt này và có thể còn nhiều đợt khác trước đây (!).
Ông Nguyễn Xuân Đô nhắn số điện thoại của ông Toàn để PV liên hệ
Bên cạnh đó, công văn 525/CCKL-HCTH cũng khẳng định, công ty Đại Phát Đạt khi trục vớt số gỗ này không thông báo cho chính quyền địa phương và hạt kiểm lâm là có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc tàng trữ trái phép tài nguyên quốc gia, cơ quan chức năng cần phải làm rõ hành vi này và xử lý nghiêm khắc theo quy định tại khoản 3 Điều 232 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14), đối với người thực hiện hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép 80 m3 trở lên gỗ loài thực vật rừng thông thường… sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Hạt trưởng chỉ bị kỷ luật Cảnh cáo (?)
Cũng theo công văn phúc đáp này: “Ngày 20/8/2024, Hội đồng kỷ luật công chức của CCKL đã họp, xem xét đánh giá mức độ vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật đối với ông Trần Quang Dũng và ông Nguyễn Xuân Đô. Căn cứ báo cáo của Hội đồng kỷ luật, Chi cục trưởng CCKL đã ban hành Quyết định kỷ luật ông Trần Quang Dũng với hình thức Cảnh cáo theo quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ; xử lý kỷ luật ông Nguyễn Xuân Đô với hình thức Khiển trách theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ. Đồng thời, CCKL đã trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thủ tục điều động ông Trần Quang Dũng và ông Nguyễn Xuân Đô về công tác tại Văn phòng CCKL”.
Những khối gỗ trục vớt nằm tại bãi.
“Ngày 21/8/2024, CCKL đã báo cáo Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý hành chính bước đầu đối với các sai phạm, thiếu sót của cá nhân ông Dũng và ông Đô. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (gồm: Thanh tra Sở; Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường; Thanh tra nhà nước huyện Dầu Tiếng, Công an huyện Dầu Tiếng) để tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm (nếu có)”, công văn phúc đáp nhấn mạnh.
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Những khối gỗ trục vớt nằm tại bãi.