Bình Dương: Bị chặn lối đi, người dân kêu cứu!

Hàng chục hộ dân bị chặn lối vào nhà. Mỗi lần muốn đi đâu, họ phải qua suối bằng mấy cây cừ tràm chênh vênh hoặc xin đi nhờ đất của người khác.

Lời cầu cứu không ai nghe

Bức xúc vì bị chặn lối đi, rất nhiều hộ dân ở ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã gửi đơn kêu cứu, nhưng mãi vẫn không được giải quyết. Họ từng bị người hàng xóm khởi kiện không cho đi trên con đường dân sinh độc đạo để vào nhà. Bản án cấp huyện, tỉnh giúp người hàng xóm thắng kiện và xây tường rào bịt kín lối đi, khiến họ điêu đứng. Có những hộ dân chăn nuôi bị phá sản, bán đổ, bán tháo lợn, gà… và bỏ chuồng vì không có lối đi. Ai muốn ra ngoài đường thì phải lội qua suối chênh vênh. Sợ nhất là vào mùa mưa lũ, nước từ đầu nguồn đổ về sẽ ngập cao đến tận cổ; gặp lúc bị đau bệnh, cấp cứu thì đành phó mặc cho số phận.

Các hộ dân cho biết: “Con đường đi lại duy nhất chục năm qua đã bị bản án “vô lương” hợp thức hóa cho người hàng xóm xây bít lại từ hồi tháng 8/2012, tới giờ cỏ mọc xanh um tùm.

Bà Đoàn Ngọc Huệ, một người dân bị bịt đường vào nhà, cho biết: “Lúc đó, gia đình tôi đang nuôi bầy heo hàng trăm con, từng phải thuê người cõng thức ăn lội suối đưa vào, không thì heo chết, giờ đã thua lỗ nặng và phá sản chỉ vì không có lối đi”.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, lối đi chung này có từ sau năm 1975. Đến khoảng năm 1987-1988, Tỉnh đội Tiền Giang về đây và nới rộng đường cho xe bốn bánh vào, khai phá để trồng xoài, nhãn, sau đó sang nhượng lại cho dân, hiện đã được cấp giấy chủ quyền.

Vào năm 2001, bà Huệ mua đất trồng cao su, chăn nuôi heo gà. Bốn năm sau, vợ chồng ông Phạm Đình Bộ mua phần đất ở phía trước nhà bà, xây bít lối đi chung của các hộ phía sau. Từ đó ông Bộ và các hộ dân nảy sinh tranh chấp.

Ngày 27/8/2005, hòa giải tại ấp, lãnh đạo ấp và bà con trong ấp đều xác nhận lối đi chung hiện hữu trên 30 năm, không của riêng ai. Bỗng nhiên, ông Bộ đưa vụ án ra Tòa kiện bà Huệ và hai hộ dân nữa đòi lối đi chung với tổng diện tích lên tới 1.630 m. Thật bất ngờ, TAND huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng) đã tuyên bà Huệ và các hộ dân phải trả lại phần đất công cộng đang được sử dụng làm lối đi chung cho ông Bộ; sau đó, cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Bình Dương cũng tuyên y án.

Tháng 9/2008, ông Bộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm cả lối đi này và xây bít lại từ năm 2012 tới nay.

Sau phiên phúc thẩm, bà Huệ nhờ xác nhận con đường đang tranh chấp là chung, được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang trả lời bằng văn bản ngày 5/9/2012: Năm 1994, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có mở một con đường đất nội bộ ngang 6 m, dài 1 cây số chạy dọc từ mặt đường lộ đất đỏ đến hướng ra suối để thuận tiện đi lại, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhiều hộ dân cũng đã cố gắng liên hệ với UBND xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng để hỗ trợ, thiết lập lối đi tạm, nhưng đến nay vẫn phải chịu cảnh sống cách biệt với bên ngoài.

 

Dân khổ sở vì con đường duy nhất vào nhà bị bịt kín.

Đường độc đạo bị chặn, bao giờ phá bỏ?

Sau nhiều lần kêu cứu, các bị đơn nộp đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm kèm văn bản xác nhận của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang. Sau đó, TAND tối cao đã có kháng nghị, đề nghị Tòa Dân sự TAND tối cao xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Lý do là hai cấp tòa chưa làm rõ lối đi tranh chấp có phải là đường do bộ phận kinh tế của Tỉnh đội Tiền Giang mở hay không.

Tháng 10/2014, hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ kiện của ông Phạm Đình Bộ đã bị TAND tối cao xử giám đốc thẩm hủy với nhận định: Lối đi có từ trước khi ông Bộ về địa phương nhận chuyển nhượng đất. Hồ sơ thể hiện ngoài lối đi tranh chấp này thì bà Huệ và các hộ dân không còn lối đi nào khác. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang xác nhận lối đi là do họ mở. Ông Bộ cũng xác nhận điều này.

Trong khi đó, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chưa làm rõ lối đi tranh chấp có phải là đường do Tỉnh đội Tiền Giang mở hay không. Trường hợp xác định lối đi này thuộc đất ông Bộ thì phải giải quyết cho bà Huệ và các hộ dân phía trong có đường đi vào đất của mình, bởi hiện nay các bị đơn không còn đường đi nào khác ngoài lối đi tranh chấp. Hai cấp tòa chấp nhận yêu cầu của ông Bộ, buộc các bị đơn phải trả cho ông lối đi tranh chấp mà không giải quyết lối đi cho người dân là chưa thấu tình, đạt lý. Hơn nữa, ngoài các đương sự trong vụ án, hai cấp tòa không đưa các hộ dân phía trong cùng sử dụng lối đi tranh chấp vào tham gia tố tụng là chưa giải quyết triệt để vụ án.

Sau kháng nghị và bị hủy án của Tòa tối cao thì ông Bộ cũng rút đơn khởi kiện nhưng bức tường bít lối đi vẫn còn nguyên.

Ngày 12/01/2016, ba hộ dân khởi kiện ông Bộ ra tòa Bàu Bàng, nhưng từ đó đến nay, vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử mà không có lý do. Các hộ dân vẫn đang gặp bế tắc kéo dài, còn tòa án, chính quyền địa phương vẫn không giải quyết đường đi, lối lại cho dân!

Theo luật sư Trịnh Công Minh, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Nguyên (Đoàn Luật sư Tp.HCM), tòa án cần có trách nhiệm sớm đưa vụ án ra xét xử, không thể đẩy phần khó cho đương sự. Tòa án cũng phải có nghĩa vụ phối hợp với chính quyền địa phương tìm cách giải quyết đường đi cho dân, không để tình trạng kéo dài nhiều năm như vậy được.

Trao đổi với PV, ông Cao Nhật Thanh – Chánh án TAND huyện Bàu Bàng cho biết: Vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử được vì vẫn còn vướng khi các hộ dân đi qua phần đất tranh chấp lối đi chung với ông Bộ thì phải đi qua phần đất khác. Tòa án làm việc với đại diện phần đất này từng thuộc về Becamex, nhưng đã chuyển lại cho các hộ dân, rồi nhượng, sang tên ông Trần Văn Thâu, từng là giám đốc xí nghiệp của Becamex, hiện ông Thâu đã mất. Vì vậy, tòa án đề nghị phía Công ty Becamex cung cấp danh tính người thừa kế hợp pháp của phần đất trên để đưa vào bản án. Cho nên, vụ án kéo dài chưa đưa ra xét xử được. Hơn nữa, bản án mà tòa tối cao hủy án là chưa đưa những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào”.

Vậy là, lối đi độc đạo vào nhà vẫn bị chặn, người dân vẫn mòn mỏi mong chờ mà không biết đến bao giờ được tòa án, chính quyền Bàu Bàng mở đường cho dân!?

Lê Thuận

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Từ khi bản án bịt lối đi, bà Huệ phải qua lại bằng mấy cây gỗ bắc qua suối như thế này.