(Phapluatmoitruong.vn) – Xã Nhơn Lộc, TX. An Nhơn hiện đang là điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép. Nhiều năm nay, “cát tặc” ngang nhiên xúc cát đem đi bán và cả tích trữ chờ khách mua trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương…
“Phép vua thua lệ làng”?
Những ngày cuối tháng 4/2023, nhóm phóng viên Môi trường và Đô thị điện tử đã có mặt tại địa phương này để ghi nhận thông tin phản ánh của người dân.
Đập vào mắt chúng tôi là dòng sông Kôn nham nhở, lởm chởm những hố sâu do khai thác cát trái phép. Ghi nhận tại hiện trường, hai người đàn ông đang ngang nhiên xúc cát lên chiếc máy cày. Cạnh đó là một người mặc áo xám đội mũ, được cho là chủ xe, đứng chỉ đạo. Theo người dân địa phương, người đàn ông này có tên là Tám, trú tại thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, đến đây để lấy cát.
Sau khi lấy đầy cát, ông Tám lật đật leo lên xe vận chuyển, chạy qua bờ kè lên con đường bê tông ven sông. Bụi bay mù mịt và nước từ việc lấy cát từ sông chảy tràn lan trên đường. Chiếc xe di chuyển ngang qua trụ sở thôn Trường Cửu, vào đường An Thành 1, An Thành 2 thuộc thôn An Thành. Điểm đến là một ngôi nhà đang xây dựng tại đây.
Sau nhiều ngày theo dõi, PV thấy người đàn ông tên Tám nêu trên đã rất nhiều lần đến lấy cát trái phép tại thôn Trường Cửu. Ngày nào dân xây dựng thì chở cung cấp trực tiếp, còn lại sẽ cho tập kết thành bãi cát khổng lồ tại một khu vực đất trống.
Theo bà H., một người sống gần bãi cát bên sông Côn: “Lúc trước cát nó lên cao đến bờ ấy, nhưng vì nhiều người dân lấy nên đã xuống sâu gần đáy sông. Cách đây 2 năm xã có xuống bắt nhưng giờ xã không bắt nữa, ông trưởng thôn đã bao hết rồi…”.
Trao đổi thêm với PV, một người dân sống gần đó cho biết: “Phải có người chống lưng thì người ngoài thôn mới vào lấy được chớ. Anh thử mua xe máy cày về anh xúc xem có được không? Trước đây, thôn đã làm barie và khóa để ngăn không cho người ngoài vào lấy cát. Chỉ có trưởng thôn mới được cầm chìa khóa. Những người trong thôn muốn lấy cát để xây dựng cần phải báo với trưởng thôn. Vậy mà, không hiểu sao, người ngoài thôn là anh Tám lại có chìa khóa và hiên ngang ra vào lấy cát như thế. Rồi nhiều người trong thôn muốn xin cát nhưng không được, nên đã đập cái cột sắt chắn barie đó đi. Giờ thì họ đi lại thoải mái và hiện tượng người ngoài thôn lấy cát như anh Tám đem về thôn khác sử dụng diễn ra thường xuyên…”.
Trao đổi với PV, ông Trần Thế Vân (thường gọi là Tám Vân) – Trưởng thôn Trường Cửu, cho biết: “Có quy định người trong thôn thì được lấy cát xây dựng, vì địa phương này là nơi nghèo, khó khăn, được cái thiên nhiên ban tặng cho chút nguồn cát, nên chỉ cho người trong thôn lấy thôi”.
Ông Tám đang hì hục xúc cát lên xe.
Khi PV hỏi, vậy ông Tám người là người thôn khác tại sao lại cho lấy mấy năm rồi, và việc người dân phản ánh, mỗi lần Trưởng thôn ngó lơ cho ông Tám lấy cát thì được “lại quả” 200.000 đồng có đúng hay không? Lập tức, ông Vân phản ứng: “Tôi phải làm rõ để lấy lại danh dự của tôi, không thể để người dân phản ánh như thế được!”.
Sau nhiều lần ghi hình và lần theo xe chở cát, nhóm PV quay lại hiện trường bãi cát thì vẫn thấy người đàn ông tên Tám đang cặm cụi xúc từng xẻng cát lên xe. Chúng tôi xuống tận nơi phỏng vấn thì ông Tám lập tức dừng lại và có ý định lên xe để chạy đi. Sau một hồi vấn đáp tại bờ sông, ông Tám thừa nhận việc lấy cát trên là sai và hứa sẽ không dám tái phạm nữa. “Vì có con nhỏ, nên tôi phải đi làm để kiếm tiền nuôi con. Rất mong mấy anh thông cảm!” – ông Tám trình bày.
Sau đó, PV đề nghị ông Tám về trụ sở thôn để làm việc, tuy nhiên, lúc này trụ sở thôn đang trong tình trạng cửa đóng, then cài. Sau một hồi phân trần, người đàn ông này đã bỏ chạy.
Ông được cho là tên Tám trao đổi với PV.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vinh Hằng – Phó Chủ tịch xã Nhơn Lộc, cho biết: “Trên địa bàn trước đây có một mỏ cát nhưng đã dừng khai thác. Trước đây, xã quản lý bãi cát, tuy nhiên, bà con đã yêu cầu xã tạo điều kiện lấy cát để xây dựng các công trình nhỏ trong thôn Trường Cửu và các địa phương lân cận. Việc thôn Trường Cửu lấy cát để phục vụ cho các gia đình trong thôn thì được, chứ việc lấy cát để phục vụ thôn khác thì không”.
“HĐND xã đã thống nhất tạo điều kiện cho bà con khai thác cát để phục vụ xây dựng. Nếu cá nhân khai thác làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở thì mình giữ, chứ bà con khai thác nhỏ lẻ thì mình tạo điều kiện… Còn trường hợp khai thác cát bán cho địa phương khác thì địa bàn này không có đâu…”, bà Hằng nói thêm.
Khi PV đề cập đến việc ông Tám (người ngoài thôn) khai thác cát tại địa bàn thôn Trường Cửu và tập kết tại thôn An Thành để kinh doanh, bà Hằng cho biết: “Sự việc ông Tám từ thôn An Thành đến khai thác là không có!”. Tuy nhiên, khi PV cho xem hình ảnh ông Tám đang khai thác cát thì bà Hằng trả lời: “Từ những hình ảnh mà PV cung cấp, tôi sẽ cử cán bộ địa chính xuống kiểm tra, xác minh lại anh này (ông Tám – PV) chở cát cho ai…”.
Về vấn đề ông Trần Thế Vân – Trưởng thôn Trường Cửu, ngăn cấm người dân trong thôn lấy cát, nhưng lại cho ông Tám từ thôn An Thành khai thác, bà Hằng cho biết: “Để tôi xác minh lại. Ông Vân là trưởng thôn, đồng thời là đại biểu HĐND xã, nên xã có giao nhiệm vụ quản lý cát trên địa bàn thôn…. Còn việc ông Tám có mối quan hệ với trưởng thôn Trường Cửu như thế nào mà để cho ông này lấy cát rồi đem đi bán và dự trữ thì tôi sẽ làm rõ…
Hàng tháng, đại biểu HĐND xã có tiếp xúc với dân, nhưng không thấy dân phản ánh vấn đề này. Ông trưởng thôn từ trước đến nay làm việc rất có uy tín và trách nhiệm, nên khi nghe thông tin này tôi thật sự bất ngờ…”.
Vị trí bãi tập kết cát.
“Hiện nay, cán bộ địa chính của xã rất là yếu mà công việc thì nhiều, nên cũng có những hạn chế. Vì vậy, thôn là cánh tay nối dài của xã trong việc quản lý công việc. Những thông tin mà PV cung cấp, địa phương cũng chưa nắm cụ thể nên tôi sẽ ghi nhận và sẽ tổ chức đi kiểm tra ngay. Chắc sự việc cũng mới chỉ xảy ra trong thời gian gần đây và xã sẽ khắc phục gấp” – Bà Hằng phân trần, và khẳng định: “Khoáng sản phải được tỉnh cấp phép khai thác, chứ khai thác như vậy là khai thác trái phép, vi phạm…”.
Tuy vậy, sau khi bị phát hiện việc khai thác trái phép trên sông Kôn, ông Tám đã chuyển việc lấy cát từ ban ngày sang ban đêm. Trao đổi qua điện thoại về việc người dân tiếp tục phản ánh với PV, bà Hằng cho biết: “Tôi mới qua làm việc với Chủ tịch UBND xã, đồng thời cũng làm việc với ông Tám. Xã sẽ ban hành văn bản tới toàn dân quy định hộ nào trong địa bàn thôn có nhu cầu xây dựng nhà ở thì phải lên xã để đăng ký và phải được sự cho phép của UBND xã thì mới được lấy cát về xây dựng…”.
Sau đó bà Phó Chủ tịch xã có nhã ý xin gặp PV để trao đổi một số việc, tuy nhiên, chúng tôi từ chối.
Từ những vấn đề nêu trên, dư luận và người dân đang đặt ra câu hỏi: lãnh đạo thôn Trường Cửu và lãnh đạo xã Nhơn Lộc biết việc khai thác khoáng sản (cụ thể ở đây là cát) khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền là vi phạm pháp luật nhưng vẫn “tạo điều kiện” cho người dân là xuất phát từ “động cơ” nào? Điều này có vì lợi ích của người dân hay vì lợi ích của cá nhân, tập thể nào? Phải chăng, việc quản lý tài nguyên, khoáng sản của địa phương này theo kiểu “Phép vua thua lệ làng”, làm thất thoát tài nguyên thiên nhiên và tiền thuế của Nhà nước?
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Phan Hải – Bình An
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Hiên ngang lấy cát nhưng không bị lực lượng chức năng nào xử lý.