Ông Lê Văn Dương – Trưởng xóm cùng một số hộ dân khác tại xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn tự ý trồng keo trên đất bãi bồi nằm giữa sông An Tượng. Sự việc này tồn tại gần 20 năm nhưng lãnh đạo UBND xã Nhơn Tân qua các nhiệm kỳ không giải quyết, kéo dài nhiều năm gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm đất đai tại địa phương.
Từ nhiều năm nay, người dân ở xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân bức xúc gửi đơn kiến nghị trình báo sự việc ông Lê Văn Dương – Trưởng xóm cùng một số hộ dân khác tự ý lấn chiếm, trồng keo trên bãi bồi nằm giữa sông An Tượng, nhưng lãnh đạo chính quyền địa phương không xử lý gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Họ gửi đơn kiến nghị lên Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh.
Sông An Tượng bắt nguồn từ hồ Núi Một chảy qua địa phận xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân với chiều dài gần 05km. Do mưa lũ nhiều năm tạo nên bãi bồi trên sông An Tượng, mưa càng to, lũ càng lớn thì diện tích đất bãi bồi càng rộng và diện tích mặt nước lòng sông bị thu hẹp lại chỉ như con đường mòn nằm giữa rừng keo.
Thấy đất bãi bồi trên sông ngày một rộng, lớn nên ông Lê Văn Dương cùng một số hộ dân khác tự ý trồng keo. Đến nay, ông Dương đã thu hoạch hai lứa keo và đang chờ thu hoạch lứa keo thứ ba. Cây keo cao vút, rễ mọc bám sâu vào đất bãi bồi che chắn hết dòng sông. Đáng nói hơn, để bảo vệ keo, ông Dương tự cải tạo, trồng nhiều bụi tre lớn và dựng hàng rào tre cao gần hai mét xung quanh, làm mất lối đi, nhằm không cho người lạ hay gia súc, xe chở keo đi vào khoảnh đất đã lấn chiếm.
Do keo che phủ nên con sông An Tượng bị ngăn dòng nước không thể chảy, nước từ trên núi đổ xuống vào mùa mưa không thoát được ra sông gây ngập úng ruộng của bà con nhân dân trong thôn khiến người dân ở đây rất bất bình. Ho kiến nghị nhiều lần lên lãnh đạo UBND xã Nhơn Tân nhưng không được giải quyết và hộ ông Dương cùng các hộ dân khác trồng keo trên bãi bồi giữa sông An Tượng cũng chưa bị xử lý.
Tre bao phủ dọc nhánh sông gây cản trở dòng chảy |
Đặc biệt, trong mùa mưa lũ vừa qua, bãi bồi trên sông thường xuyên xuất hiện tình trạng sạt lở đất, cộng với việc sa bồi thủy phá, làm dòng chảy tự nhiên bị thu hẹp, ông Lê Văn Dương “lợi dụng” điều này để chặt toàn bộ các lùm tre dọc nhánh sông, lấp mất một đoạn nhánh sông dài hàng trăm mét. Việc này, không những làm mất đi dòng chảy tự nhiên, mà còn lấp kênh thoát nước tưới tiêu, làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu của các hộ dân sinh sống dọc nhánh sông.
Theo đơn kiến nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn ở xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân giải bày: “Việc lấn chiếm, trồng keo trái phép của ông Lê Văn Dương đã xảy ra từ rất lâu rồi. Trong những đợt mưa lũ vừa qua, vì tình trạng nhánh sông bị lấp mất, nên nước lũ từ hồ Núi Một đổ về không chảy được, bởi vậy đã tràn vào đất trồng cây lâu năm. Từ đó, dòng nước đã làm sạt lở đất trồng rừng, cũng như gây ngập úng, sa bồi thủy phá gần 10 sào đất trồng lúa của gia đình tôi. Tôi và nhiều hộ dân khác đã kiến nghị lên UBND xã Nhơn Tân nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn ở xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân bức xúc vì ông Lê Văn Dương trông keo, trồng tre trên đất bãi bồi nằm giữa sông |
Ông Sơn cho biết thêm: Tháng 6/2020, UBND xã Nhơn Tân có tổ chức tiếp công dân, tiến hành giải quyết và được ông Đoàn Hải Nam – Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân (nay là Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Tân) giải quyết và có kết luận, chỉ đạo trong vòng 15 ngày (kể khi có kết luận), buộc ông Lê Văn Dương phải phá bỏ hết diện tích trồng keo trái phép và tre, trả lại hiện trạng dòng sông ban đầu. Nếu ông Dương không thực hiện, thì xã sẽ giao cho cán bộ địa chính và môi trường phối hợp Công an xã Nhơn Tân xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Tuy đã có chỉ đạo như thế, nhưng đến nay, ông Lê Văn Dương vẫn không thực hiện và số diện tích keo cũng lớn dần lên.
Khi chúng tôi trực tiếp làm việc với người dân, không chỉ có gia đình ông Sơn mà còn nhiều hộ dân khác đều bị ảnh hưởng thiệt hại đất canh tác trồng lúa, hoa màu do kênh thoát nước, đoạn chảy ra nhánh sông An Tượng bị lấp nên ruộng thường xuyên bị ngập nước, nếu có trời mưa, phải sử dụng máy bơm hút nước ra ngoài. Hầu như năm nào các hộ dân ở đây đều gieo sạ muộn hơn 1 – 2 tháng so với hợp tác xã, chưa kể những ngày trời mưa, nước không thoát được nên giống bị ngập úng, phải gieo lại từ đầu, tốn rất nhiều chi phí công sức của người dân.
Khu vực đất ruộng người dân ở xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân luôn bị ngập úng vào mùa mưa |
Chi cục Thủy Lợi thuộc Sở NN-PTNT Bình Định cũng nhận được đơn phản ánh của ông Nguyễn Hồng Sơn, ông Hồ Đắc Chương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi đề nghị Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân khẩn trương xử lý vụ việc trước ngày 20/9/2020, vì mùa mưa lũ đã đến gần, để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai trong thời gian đến. Nếu sau ngày 20/9/2020, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân chưa chỉ đạo xử lý xong vụ việc, Chi cục Thủy Lợi sẽ báo cáo Sở NN-PTNT, phối hợp với UBND thị xã An Nhơn tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Làm việc với Pv Báo TN&MT, ông Nguyễn Huỳnh Nguyên – Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân cho biết: Khi tiếp nhận đơn của các hộ dân, UBND xã đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường sông An Tượng, đoạn chảy qua xóm Đá Mài. Qua kiểm tra, việc lấn chiếm bãi bồi giữa lòng sông để trồng keo của ông Lê Văn Dương -Trưởng xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc là sai và diễn ra trong thời gian dài. Qua làm việc, ông Dương cam kết sẽ chặt, đốt hết những bụi tre mà ông đã trồng không cho tái sinh, dọn sạch tre, cành cây mục lấp nhánh sông này, trả lại dòng chảy đúng như hiện trạng ban đầu. Còn với số keo đã trồng trên đất bồi, ông Dương xin cho thu hoạch xong và trả lại đất vì đã đầu tư rất nhiều chi phí.
Ông Nguyên giải bày: Về hướng xử lý, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức họp Hội đồng quản lý đất đai của xã và đề xuất không cho cá nhân nào được trồng keo hay hoa màu trên những dải đất bồi, để đúng nguyên hiện trạng ban đầu, tránh gây ngập úng, hư hại ruộng, hoa màu của người dân khi mùa mưa lũ sắp đến. Đồng thời, xã cũng làm báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo từ UBND thị xã An Nhơn để có hướng giải quyết tốt nhất, nhằm đảm bảo hài hòa tình làng nghĩa xóm giữa các hộ gia đình.
Sự việc này là câu chuyển điển hình cho tình trạng buông lỏng quản lý đất đai tại các địa phương. Nếu ngay từ ban đầu UBND xã Nhơn Tân mạnh tay kiên quyết xử lý hành vi lấn chiếm trồng keo trên đất bãi bồi nằm giữa sông An Tượng trái phép của ông Lê Văn Dương và các hộ dân khác thì sự việc không kéo dài nhiều năm và gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm đất đai dẫn đến sự bức xúc của người dân. Chưa biết khi nào vụ việc này mới được xử lý để an lòng người dân?!
Mỹ Bình – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Ảnh: Sông An Tượng bị thu hẹp diện tích mặt nước do người dân lấn chiếm trồng keo, trồng tre trên bãi bồi giữa sông
Xem bài viết gốc tại đây: