Biến vỏ dứa thành chất tẩy rửa an toàn

Một startup Việt đã tận dụng phế phẩm từ quả dứa, dùng công nghệ enzyme biến chúng thành sản thành chất tẩy rửa an toàn cho người sử dụng.

Startup có tên FUWA3E do anh Đỗ Xuân Tiến và chị Bùi Thị Bích Ngọc sáng lập. Khởi nguồn từ ý tưởng bảo vệ môi trường, FUWA3E đã tận dụng phế phẩm của các nhà máy chế biến dứa của Thanh Hóa, cũng là quê hương của anh Đỗ Xuân Tiến và chị Bùi Thị Bích Ngọc. Hiện nay, trung bình mỗi tháng FUWA3E xử lý khoảng 4,5 tấn phế phẩm từ dứa.

Mỗi loại trái cây, rau củ đều có một hoặc nhiều loại enzyme khác nhau như protease, amylase, lipase… là những chất tẩy rửa dầu mỡ và tinh bột hiệu quả do thiên nhiên ban tặng. Dùng công nghệ enzyme để xử lý chất hữu cơ cũng được xem là phương pháp xử lý hiệu quả nhất trong giảm phát thải khí mê-tan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn CO2 nhiều lần.

Để ra được một mẻ sản phẩm, trước tiên vỏ dứa thu về sẽ được sàng lọc kỹ, loại bỏ tạp chất rồi trộn cùng đường vàng, khuấy đều trong nước sạch để tạo dung môi ngâm ủ. Trong ba tháng ngâm ủ, hỗn hợp được khuấy đảo đều, kiểm tra hằng ngày, và bổ sung thêm các loại quả, vỏ trái cây khác nhau như bồ hòn, cam, bưởi… để tạo mùi thơm và tăng cường khả năng tẩy rửa. Thời gian để tạo ra sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ như vậy mất khoảng ba tháng. Hai năm sau khi ra đời, FUWA3E đã có 30 điểm tiêu thụ sản phẩm trên cả nước.

tm-img-alt
Một số sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ của FUWA3E

Theo chia sẻ của anh Đỗ Xuân Tiến, cái hay của quy trình này là hoàn toàn không có rác thải thứ cấp. Sau khi lọc lấy dung dịch, phần bã được sấy khô trở thành hợp chất bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng. Tham vọng của FUWA3E là xây dựng được một nhà máy không rác thải. Nhưng không đơn giản vì sản phẩm hiện vẫn cần chai nhựa để đựng. Đó là lí do FUWA3E muốn phát triển mảng refill, có nghĩa là người dân mang bình cũ đến trạm phân phối sản phẩm để làm đầy.

Mục tiêu trong năm 2021 của FUWA3E là có 100 trạm refill trên toàn quốc. Hiện FUWA3E có 30 trạm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu… Bởi vậy FUWA3E đang cho xây dựng thêm các trạm di động, kết hợp cùng các ứng dụng công nghệ để khách hàng có thể đăng ký và trạm di động sẽ tới từng địa điểm làm đầy theo yêu cầu.

Với bảy dòng sản phẩm khác nhau như nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay…, các sản phẩm từ vỏ trái cây của FUWA3E được đánh giá cao do không chỉ tẩy rửa hiệu quả mà còn an toàn với người viêm da cơ địa, có vấn đề về da tay.

Một ưu điển vượt trội khác đó là có thể sử dụng nước tẩy rửa của FUWA3E để xử lý, làm cho nước thải sinh hoạt không bị bốc mùi khó chịu. Anh Tiến cho biết, nhiều khu vực ở Thanh Hóa, nơi ống nước thải còn chảy lộ thiên, đã truyền tay nhau sử dụng nước tẩy rửa của FUWA3E.

Hiện tại mỗi tháng FUWA3E tiêu thụ được 15.000 lít nước tẩy rửa. Sản phẩm của startup này có giá từ 48.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/chai tùy loại và kích cỡ. Giá các sản phẩm tẩy rửa của FUWA3E cao gấp đôi sản phẩm tẩy rửa thông thường. Vì vậy không dễ để thuyết phục người sử dụng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để thay thế nước tẩy rửa từ hoá chất bằng nước tẩy rửa sinh học an toàn.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của FUWA3E, nước rửa chén thông thường phải rửa 3-4 lần nước mới sạch mùi và hóa chất, trong khi nước rửa chén sinh học chỉ cần hai lần. Như vậy rõ ràng người sử dụng có thể tiết kiệm tiền nước, lại có thể bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Bắc Lãm

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)