Biến đổi khí hậu – mối đe dọa lớn nhất tương lai

Các chuyên gia liên tục đưa ra thông điệp, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng ta, nhưng nó không thể chặn đứng được quá trình BĐKH. BĐKH vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai.

Đại dịch COVID-19 bùng phát, lệnh giãn cách xã hội đã làm giảm một phần lượng khí thải, nhưng lượng giảm này không đáng kể. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu giảm trong năm nay do dịch COVID-19 chỉ khoảng 8%.

So với mức 415 phần triệu cuối năm 2019 và 418,12 phần triệu (ppm) lượng khí thải CO2 mà Đài quan sát Mauna Loa (Hawaii) đo được trong tháng 5 thì chẳng khác nào muối bỏ bể.

Thế giới vẫn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu (BĐKH) khi lượng CO2 gia tăng trong khí quyển vẫn đang đạt mức cao. Đặc biệt là khi tất cả những hoạt động giãn cách xã hội trên thế giới hiện nay chỉ là tạm thời.

tm-img-alt
Lệnh giãn cách xã hội không làm chậm lại quá trình BĐKH. (Ảnh: Internet)

Phát biểu trong hội nghị United in Science 2020 diễn ra mới đây, Tổng thư ký của Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cho rằng: “Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng ta, nhưng nó không thể chặn đứng được quá trình BĐKH”.

Đây không phải là lần đầu, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới truyền đi thông điệp này. Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về BĐKH trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 75 diễn ra tại New York hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thư ký LHQ từng nhấn mạnh, thế giới đang nóng lên ở mức báo động, khí thải nhà kính đang khiến thế giới đối mặt với ngày càng nhiều thảm họa từ cháy rừng, lụt lội, bão lũ đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế.

Ông Guterres kêu gọi thế giới cần hành động ngay đối với vấn đề cần thiết, đó là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với BĐKH.

Hồi đầu tháng 4, Chính phủ Anh công bố, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của LHQ về BĐKH (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020 sẽ bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quyết định được các bên tham gia Công ước khung LHQ về BĐKH (UNFCCC) đưa ra cùng với Anh và đối tác Italia. Trước quyết định này, Thư ký điều hành của UNFCCC – bà Patricia Espinosa – cảnh báo: COVID-19 là mối đe dọa khẩn cấp đối với nhân loại hiện nay. Tuy nhiên, thế giới không nên quên rằng, BĐKH là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai.

Nguy cơ hiện hữu

Thế giới đang trên đường tới mức kỷ lục 5 năm nóng nhất và không đạt được mục tiêu đã được thống nhất là giữ cho nhiệt độ trung bình của hành tinh không tăng quá 2 độ C mỗi năm so với mức tiền công nghiệp hoặc giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C.

Báo cáo mới nhất vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 9/9 nhấn mạnh, những tác động ngày càng tăng và không thể đảo ngược của BĐKH, ảnh hưởng đến các sông băng, đại dương, thiên nhiên, nền kinh tế, điều kiện sống và thường biểu hiện thông qua các hiểm họa thủy văn như hạn hán hoặc lũ lụt.

“Nồng độ khí nhà kính, chưa bao giờ cao như vậy trong vòng 3 triệu năm qua, đã lại tiếp tục tăng. Những vùng đất rộng lớn ở Siberia đã trải qua một đợt nắng nóng kéo dài và đặc biệt trong nửa đầu năm 2020, điều này rất khó xảy ra nếu không có BĐKH do con người gây ra. Và giai đoạn 2016 – 2020 được thiết lập để trở thành khoảng thời gian 5 năm nóng nhất được ghi nhận” – Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết.

tm-img-alt
Lượng băng ở Bắc cực sụt giảm mạnh trong những năm qua. (Ảnh: Internet)

Các số liệu mà nghiên cứu khoa học ghi nhận là băng ở Bắc cực sụt giảm 12% trong vòng 1 thập kỷ và tan chảy ở mức đó liên tục trong 40 năm qua, với 4 năm gần đây nhất luôn có tỉ lệ tan cao nhất. Ở Nam cực, giai đoạn 1979 – 2017 cũng có lượng băng tan đều đặn mỗi năm và chu kỳ 5 năm qua là nghiêm trọng nhất.

Mùa hè năm 2019 có tháng 7 là tháng nóng nhất từ trước đến nay, thậm chí còn gây ra những vụ cháy rừng tàn phá chưa từng có ở Bắc cực.

Hậu quả của băng tan chảy là vô kể: Nước biển dâng đang khiến 1,6 tỉ người chịu nguy hiểm vì lũ lụt, lở đất và sóng thần. Trong khi đó, đến năm 2050 xâm nhập mặn sẽ khiến 27% dân số thế giới sống trong cảnh thiếu nước. Giới nhà khoa học còn đang lo sợ trước khả năng những loại virus, vi khuẩn có từ thời cổ đại đang “ngủ đông” trong tảng băng sẽ được giải phóng và gây ra các đại dịch còn đáng sợ hơn cả COVID-19.

Khu vực Trung Âu và toàn bộ châu Á được dự báo sẽ là “điểm nóng” chịu tác động của hiện tượng băng tan chảy. Tuyết trên các đỉnh núi vùng Cáp-ca và Nam Á đang tan với tốc độ nghiêm trọng. Chỉ riêng tại khu vực Tây Tạng thôi, mực nước các dòng sông đã tăng hơn 30cm so với cùng kỳ hằng năm. Các trận lũ lụt lịch sử gần như chắc chắn sẽ xảy ra với Ấn Độ và các nước hạ nguồn sông Mê Kông từ nay đến cuối năm sau, theo sau bởi một đợt hạn hán kéo dài. Kể cả khi thiệt hại về người được giảm thiểu, thì vẫn sẽ có hàng triệu gia đình mất kế sinh nhai, bị đẩy vào cảnh đói nghèo.

Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đã và đang chịu tác động về mọi mặt bởi BĐKH. Ngoài việc thay đổi dòng hải lưu và hướng di chuyển của các đàn cá di cư còn đang giết chết rặng san hô. San hô là loài vật rất nhạy cảm, chỉ cần nước biển nóng lên hay có pha thêm hoá chất thì lập tức chúng sẽ chết ngay. Những loài cá trước nay sống trong rặng san hô vì thế bị buộc phải bỏ.

Thiệt hại của BĐKH sẽ lan ra toàn bộ nền kinh tế thế giới. Một báo cáo mới đây của Uỷ ban Giao dịch chứng khoán phái sinh của Hạ viện Mỹ đã cảnh báo về áp lực hiện tượng nóng lên toàn cầu đặt lên các doanh nghiệp nước này. Dòng vốn đầu tư trong nước Mỹ đang thay đổi hướng chảy theo xu thế chuyển từ những địa phương duyên hải tiềm tàng nhiều nguy hiểm vào sâu trong nội địa. Người dân nhiều nơi vì thế đã mất việc, còn triển vọng làm ăn của các doanh nghiệp địa phương tụt xuống sâu. Nếu Chính phủ Mỹ không có biện pháp kịp thời để trấn an các bên có liên quan, thì một loạt hậu quả còn tai hại hơn nữa sẽ còn xảy ra theo “cơn sốt” thoái vốn này.

Thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật,… tất cả đều dẫn đến hậu quả đáng sợ nhất của BĐKH: Chiến tranh! Những cuộc chiến tranh giành đất đai, nguồn nước,… giữa các tộc người, tôn giáo, hay là quốc gia vẫn đang diễn ra tại một số khu vực chịu ảnh hưởng bởi tình trạng Trái đất nóng lên như Bắc Phi, Trung Đông, và Nam Á.

Cuộc chơi toàn cầu

BĐKH đã trở thành cuộc chơi toàn cầu mà không ai có thể đứng ngoài cuộc. Theo Hiệp định Paris năm 2015 về BĐKH, các nước đã cam kết hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và xuống mức an toàn hơn là 1,5 độ C nếu có thể.

Để làm được như vậy, các nước đã nhất trí giảm lượng khí thải và nỗ lực hướng tới một thế giới carbon thấp trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, LHQ phát hiện thấy rằng thế giới đang trên đà khiến nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng đến 3,2 độ C ngay cả khi tính tới những cam kết mà các nước đưa ra trong Hiệp định Paris 2015. Ở nhiệt độ này, giới khoa học lo ngại có thể gây ra thảm họa khí hậu khôn lường.

tm-img-alt
Giảm lượng khí thải và nỗ lực hướng tới một thế giới carbon thấp. (Ảnh minh họa: Internet)

LHQ cho rằng mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C là vẫn có thể đạt được, song cần tới một sự thay đổi chưa từng có và mang tính phối hợp của nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn đang tăng trưởng phần lớn nhờ dầu mỏ, khí đốt.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhận định: “Chúng ta đang thất bại trong nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu không hành động khẩn cấp và giảm mạnh lượng khí thải toàn cầu, chúng ta đang bỏ lỡ mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng ở mức 1,5 độ C”.

Theo LHQ, những “cơ hội cụ thể” cho những nước có lượng phát thải lớn thúc đẩy nền kinh tế phù hợp với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than đá, giảm bớt sử dụng dầu khí và tăng cường năng lượng tái tạo. Nhìn chung, các nước cần phải nỗ lực gấp 5 lần để giảm lượng khí thải nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C.

Trong một bài phân tích đăng trên Tạp chí khoa học Nature Communications, nhóm tác giả cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ “kiếm” được 336.000 và 422.000 tỉ USD vào năm 2100 nếu các nước hành động để giữ ngưỡng tăng nhiệt lần lượt ở mức 2 độ C và 1,5 độ C. Ngược lại, nếu các nước không đạt được những mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về BĐKH, thế giới có thể sẽ mất tới 600.000 tỉ USD vào cuối thế kỷ.

Minh Tuệ – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-moi-de-doa-lon-nhat-tuong-lai-51058.html