Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Climate Change chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đã khiến cho không khí ở hầu hết các thành phố trở nên khô hơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh và gây ra các vấn đề về da.
Một nửa dân số thế giới sống ở các khu vực đô thị, nhưng các thành phố chỉ chiếm khoảng 3% diện tích đất trên toàn cầu, theo Lei Zhao, nhà khoa học ở Đại học Illinois và là tác giả chính của nghiên cứu trên.
“Mặc dù các thành phố chiếm một diện tích nhỏ như vậy, nhưng đó là nơi hứng chịu rất nhiều tác động của con người. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra các dự báo khí hậu cụ thể cho các khu vực đô thị”, Zhao nói.
Từ lâu, các nhà khoa học và các nhà quy hoạch đô thị đã biết rằng, nhiệt độ ở thành phố cao hơn ở nông thôn. Cơ sở hạ tầng như đường nhựa sẫm màu và bề mặt bê tông hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời hơn, trong khi độ che phủ của cây cối lại giảm, góp phần tạo ra cái gọi là “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”. Nhiệt độ ở thành phố có thể cao hơn tới 5 độ C so với các vùng nông thôn xung quanh.
Tuy nhiên, Zhao giải thích, ngoài nhiệt độ, các yếu tố môi trường khác ở thành thị và nông thôn cũng khác nhau. “Không chỉ là nhiệt độ, mà còn là độ ẩm,” Zhao nói.
Theo mô hình mới dự đoán, vào cuối thế kỷ, các thành phố lớn ở Mỹ, Trung Đông, bắc Trung Á, đông bắc Trung Quốc, Nam Mỹ và châu Phi… sẽ nóng lên và khô hơn nhanh hơn mức trung bình của mỗi khu vực. Các nhà nhiên cứu cũng khuyến nghị rằng các thành phố nên đầu tư cho cơ sở hạ tầng xanh, vì cây cối và thảm thực vật giúp giảm nhiệt độ và cải thiện độ ẩm bằng cách giải phóng nước vào không khí.
Trước đây, người ta cho rằng hiệu ứng này sẽ ít có tác động ở những thành phố vốn đã ẩm ướt, nhưng trong mô hình mới, không khí ở hầu hết các thành phố sẽ trở nên khô hơn trong thế kỷ tới; khi đó, thảm thực vật sẽ giúp các đô thị hạn chế các tác động tiêu cực về nhiệt độ và độ ẩm do nóng lên toàn cầu.
Ngoài ra, khi độ ẩm thấp, mũi và họng có thể bị khô, khiến virus cảm cúm, cảm lạnh dễ xâm nhập hơn. Không khí khô cũng tạo điều kiện cho virus gây bệnh tồn tại lâu hơn và dễ dàng truyền từ người này sang người khác hơn. Ngoài ra, độ ẩm thấp còn làm khô da, khiến da bị bong tróc và ngứa, cũng như làm trầm trọng thêm các bệnh về da sẵn có như chàm, vẩy nến hoặc bất kỳ bệnh dị ứng da nào.
Zhao hy vọng mô hình mới sẽ cho phép các nhà quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách đưa ra quyết định sáng suốt hơn về việc các biện pháp ứng phó với nhiệt độ tăng cao ở các thành phố của họ.
Minh Phương – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Các nhà nhiên cứu cũng khuyến nghị rằng các thành phố nên đầu tư cho cơ sở hạ tầng xanh.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-lam-giam-do-am-o-cac-do-thi-52336.html