Năm 1976, các nhà khảo cổ Liên Xô vô tình phát hiện một dãy xương cá voi được xếp thẳng hàng trên đảo Yttygran.
Nó gồm 34 bộ xương khổng lồ, niên đại lên tới 600 năm và không rõ tại sao lại được xếp thành hàng trên hòn đảo không người sinh sống này.
Khám phá bất ngờ
Yttygran nằm trên biển Bering, cách mũi đất Cape Chaplino của Nga 24km. Nó rộng 55 km2, có chiều dài 13,5km và chiều rộng 5km.
Bering là một trong các ngư trường chính của thế giới, diện tích mặt biển lên tới 2 triệu km2. Nó giáp Siberia (Nga) và Alaska (Mỹ), chiếm khoảng 1/2 sản lượng cá, tôm, cua đánh bắt ven bờ của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bering còn là vùng biển giàu cá voi. Trong làn nước xanh ngắt bao quanh Yttygran, luôn có cá voi trắng (beluga) và cá voi đầu cong (bowhead) nhởn nhơ bơi lội.
Mặc dù nhỏ, Yttygran có khung cảnh tự nhiên nên thơ và còn lưu giữ dấu vết của nhiều bộ lạc người xưa, bao gồm cả những bộ lạc đã biến mất. Năm 1976, một nhóm nhà khảo cổ của Liên Xô tấp vào hòn đảo này. Họ phát hiện rất nhiều xương cá voi trên mặt đất, đếm sơ lược được 34 bộ.
Tất cả 34 bộ xương này thuộc về cá voi đầu cong. Chúng nặng trung bình khoảng 300 kg/bộ, được chôn một nửa dưới cát và chèn đá cho chắc. Nhìn tổng thể, các nhà khảo cổ thấy hơn 30 bộ xương này được xếp thành một hàng. Họ vô cùng kinh ngạc, đặt tên cho nó là Hẻm xương Cá voi (Whale Bone Alley).
Bãi giết mổ?
Kiểm tra các bộ xương cá voi trên đảo Yttygran cho thấy tồn tại cách đây 600 năm. Ngoài “con hẻm bằng xương”, người ta còn thấy các hố, nghi từng là nơi chứa thịt. Chúng dàn trải dài 550m dọc bờ biển phía Bắc của hòn đảo, tạo nên khung cảnh kỳ dị, đáng sợ nhưng cũng đầy mê hoặc.
Rất có khả năng là trước đây, Hẻm xương Cá voi còn kỳ vĩ và rộng lớn hơn di tích ngày nay. Hiện, các xương hộp sọ, xương đốt sống đã bị thời gian bào mòn và tẩy màu, nhìn hệt như những khối đá bị phong hóa.
Tuy trên Yttygran có vết tích con người, nhưng các nhà khảo cổ chưa xác định được họ thuộc bộ tộc hay những bộ lạc nào. Người ta chỉ suy đoán, đó là Yupik, dân tộc bản địa Siberia.
Theo suy đoán này, vào thế kỷ XIV, Yttygran vẫn còn bị đóng băng. Tình trạng thiếu lương thực buộc người Yupik phải săn bắt cá voi làm thức ăn. Họ kéo xác cá lên đảo, xẻ thịt, đào hố tích trữ thịt ngay bên cạnh khung xương và lâu dần hình thành con hẻm xương đan xen.
Trong ngôn ngữ Yupik, đảo Yttygran được gọi là Sikliuk, có nghĩa “hố thịt”. Nó củng cố cho giả thuyết “bãi giết mổ”, ám chỉ Yttygran chỉ đơn thuần là hòn đảo băng được dùng để bảo quản thịt cá voi một cách tự nhiên.
Đền nghi lễ?
Ngày nay, người Yupik rải rác trong các khu vực phía Tây, Tây Nam Southcentral Alaska và Viễn Đông nước Nga. Tại Siberia, họ cư trú dọc theo bờ biển bán đảo Chukchi.
Trên mặt hành chính, Yttygran thuộc Chukchi. Ngoài Yupik, Chukchi còn là nơi sinh cư của các bộ lạc khác như Uelen, Ekven, Sireniki và Kivak. Các nhà khảo cổ cho rằng, cách đây 600 năm, giữa Yupik và các bộ lạc này luôn xảy ra tranh cướp.
Hẻm xương Cá voi trên hòn đảo Yttygran biệt lập có thể là một ngôi đền bằng xương. Nó được xây dựng với mục đích làm nơi “tọa đàm” giữa các bộ lạc. Tại đây, họ ăn uống với nhau và bàn bạc giải pháp giải quyết tranh chấp, chung sống hòa bình.
Trong những lần họp mặt, các bộ lạc chung tay tổ chức nghi lễ, hiến tế và cúng tế. Yttygran trở thành hòn đảo linh thiêng, đóng vai trò kết nối và hứa hẹn trị an. Tuy nhiên, trên toàn cõi Eskimo (tộc người sống ở khu vực quanh cực từ phía Đông Siberia – Nga, qua Alaska – Mỹ, Canada và Greeenland), giới khảo cổ chưa từng phát hiện bất cứ khu vực nghi lễ nào hoành tráng như “đền xương Yttygran” (nếu đúng). Nói cách khác, giả thuyết này khá phi thực tế.
Đến nay, Nga nói riêng và giới khảo cổ quốc tế nói chung vẫn chưa tìm được bằng chứng nào xác nhận cả hai giả thuyết trên. Tuy nhiên, chính sự bí ẩn và bầu không khí rờn rợn trên Yttygran lại biến thành điểm hấp dẫn. Nó thu hút tính hiếu kỳ, làm du khách toàn cầu không ngừng đổ xô về đây.
Yttygran chỉ cách đảo Arakamchechen có người ở 3,8 km, dễ dàng tiếp cận bằng thuyền. Sau Hẻm xương Cá voi của nó là núi non thấp, đầy cây cối xanh tươi. Yttygran có đường đi bộ leo núi và hướng dẫn viên, phục vụ người tham quan. Trên đường lên núi, du khách có thể vừa đi vừa ngắm cây cỏ, chim chóc và động vật hoang dã.
Độ cao nhất của Yttygran là 545m. Tại đỉnh này, du khách có thể phóng tầm mắt ra tứ phía, ngắm trọn vẹn vùng biển bao quanh. Vào mùa di cư của cá voi, họ có thể chiêm ngưỡng nhiều loại cá khác nhau, bao gồm cả cá voi lưng gù và cá voi xám quý hiếm.
Hiện, Yttygran là một phần của Công viên Quốc gia Beringia (Nga), được quy hoạch làm đảo du lịch sinh thái. Nơi đây cực kỳ nổi tiếng, là một trong các nguồn thu nhập chính của Chukchi.
Royal Vũ – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại