Bệnh viện dã chiến tuyến huyện ở TP.HCM cần chi viện

‘Một bệnh nhân Covid-19 trở nặng phải dùng đến 18 bình oxy trong đêm. Nhiều hôm, bác sĩ ôm bình oxy chạy như bay trong đêm để kịp mang đến phòng bệnh’, bác sĩ Nam kể.

Từ cuối tháng 6 đến nay, TP.HCM xây dựng tổng cộng 15 bệnh viện dã chiến, 42 cơ sở y tế điều trị Covid-19 và 5 trung tâm hồi sức tích cực (ICU). Với mục tiêu hàng đầu là giảm số ca F0 chuyển nặng, tử vong, thành phố nỗ lực xây dựng hệ thống điều trị F0 tại địa phương, khởi động tổ phản ứng nhanh và mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Tuy nhiên, với số lượng F0 tiếp tục tăng nhanh, hệ thống điều trị chịu sức ép lớn, đặc biệt là các tầng điều trị tuyến dưới.

Áp lực ở các bệnh viện tuyến dưới

Để đáp ứng điều trị cho số lượng F0 tăng nhanh, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng mô hình tháp điều trị 5 tầng. Mỗi tầng đều quy định rõ các chức năng và đối tượng F0 cụ thể.

Tuy nhiên, một khu cách ly dã chiến ở huyện Bình Chánh đang điều trị hàng nghìn F0 điều trị với nhiều mức độ bệnh. Khu cách ly này thành lập cách đây 3 tuần, được trưng dụng từ 3 trường tiểu học.

“Chưa được phê duyệt bệnh viện dã chiến nhưng khu cách ly của chúng tôi có cả bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, vừa và có cả bệnh nhân diễn biến nặng, cần thở oxy mask, oxy túi và cả máy oxy dòng cao HFNC”, bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, thuộc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đang phụ trách chính tại khu cách ly dã chiến tại huyện Bình Chánh, nói.

Theo bác sĩ Thịnh, các bệnh nhân có triệu chứng nặng, suy hô hấp vốn dĩ phải được chuyển đến bệnh viện ở tầng cao (tầng 3-4-5). Tuy nhiên, nhiều thời điểm các bệnh viện không còn giường trống, bệnh nhân không có nơi nào khác để điều trị ngoài khu cách ly dã chiến.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết này, huyện Bình Chánh xây dựng một khu cách ly dã chiến với nhân lực ban đầu là 13 nhân viên y tế.

“Bệnh viện dã chiến trong giai đoạn trước không nhận F0 triệu chứng nặng, người lớn tuổi, suy hô hấp. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân tăng nhanh. Chúng tôi phải nhận luôn để cấp cứu kịp thời cho người bệnh. Cứ như thế suốt 3 tuần qua, các F0 nặng từ trạm y tế chuyển đến từ suy hô hấp, bà bầu, trẻ em, bệnh nhân tâm thần…, chúng tôi đều nhận hết”, bác sĩ Thịnh cho biết.

Hiện tại, khu cách ly này còn 26 nhân viên y tế, trong đó có 7 bác sĩ, 19 điều dưỡng. UBND huyện Bình Chánh vừa xin tăng cường thêm 10 tình nguyện viên để hỗ trợ công tác hậu cần. Tuy nhiên, với nhân lực hiện nay, gánh nặng điều trị trên vai nhân viên y tế là quá lớn.

Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh (trái) trao đổi tình hình bệnh viện với Bí thư Thành ủy TP.HCM và Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trung bình tại một đơn vị hồi sức, 90 bệnh nhân nặng cần ít nhất 30 bác sĩ và vài chục điều dưỡng. Cơ sở này hiện nay có 7 bác sĩ, 19 điều dưỡng nhưng lo cho gần 2.000 F0, trong đó có 90 ca nặng.

Do số lượng bệnh cần hỗ trợ y tế quá nhiều, huyện Bình Chánh đang thành lập thêm một bệnh viện dã chiến và do ê-kíp bác sĩ Thịnh phụ trách. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường thường và 100 giường oxy.

“Khối lượng công việc ngày càng lớn nhưng bệnh nhân nặng vẫn cần phải cứu. Anh em đã cố gắng. Tôi thường xuyên động viên tinh thần mọi người nhưng chúng tôi cũng sắp kiệt sức”, bác sĩ Thịnh nói.

Ông cho biết đơn vị này đang xin cơ sở pháp lý thành lập bệnh viện dã chiến để giải quyết bài toán nhân lực và thuốc men.

Ảnh: HCDC.

Bệnh viện dã chiến kiêm 3 tầng

ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhớ như in ngày đầu đặt chân đến khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) để nhận cơ sở. Lối vào gập ghềnh đá và bụi, những khối nhà cũ kỹ, bong tróc, bị bỏ hoang suốt hơn mười mấy năm không bóng người. Thế nhưng chỉ sau 7 ngày, những tòa nhà lần lượt sáng đèn với 4.000 F0.

“Mọi thứ đang đi vào hoạt động ổn định dù thời gian đầu chúng tôi nhận bệnh viện dã chiến với hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, do số lượng F0 tăng nhanh, việc điều trị chịu sức ép lớn”, ông nói.

Bệnh viện dã chiến số 4 được trưng dụng từ khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh viện dã chiến số 4 chính thức đón bệnh nhân tối 7/7. Thời gian đầu, đơn vị có nhiêm vụ thu nhận F0 không triệu chứng và biểu hiện nhẹ, tương đương tầng 1. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân quá lớn, bệnh viện buộc “leo” tầng liên tục và lên đến tầng 2 với bệnh nhân có triệu chứng, bệnh nền.

Tuy nhiên, do ở cách xa bệnh viện tầng trên, Bệnh viện dã chiến số 4 tiếp tục “leo” lên tầng 3 để đủ sức xử trí các tình huống cấp cứu cho F0 trở nặng.

Hiện tại, bệnh viện kiêm luôn các công tác cấp cứu, hồi sức ban đầu và điều trị bệnh nhận Covid-19 mức độ nhẹ, vừa và nặng. Theo mô hình tháp điều trị 5 tầng của Sở Y tế TP.HCM, chức năng này tương đương tầng 1, tầng 2 và tầng 3.

Đoàn xe chở F0 từ khắp nơi xuyên đêm xếp hàng chờ vào Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4, cho biết để sẵn sàng điều trị bệnh nhân ở mức độ vừa và nặng, bệnh viện triển khai hoạt động cấp cứu ngay tại tầng trệt của mỗi tòa nhà và thiết lập đơn vị Hồi sức cấp cứu có quy mô 130 giường.

“Vừa mở 16 giường thì đã lập tức đầy bệnh nhân. Bệnh viện đang mở rộng thêm 16 giường nữa và nâng cấp dần. Hiện tại, 2 bệnh nhân phải thở máy, 8 bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC), 1 người thở máy không xâm nhập, 29 bệnh nhân thở oxy mask và 44 ngưởi thở oxy qua cannula”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam cũng cho biết: “Một bệnh nhân Covid-19 trở nặng phải dùng đến 18 bình oxy trong một đêm. Nhiều hôm, bác sĩ ôm bình oxy chạy như bay trong đêm để mang đến phòng bệnh kịp thời”.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đơn vị phụ trách Bệnh viện dã chiến số 4 cho biết sau nỗ lực của nhiều lực lượng, từ một chung cư bỏ hoang đã trở thành một bệnh viện dã chiến tương đối ổn.

Tất cả đều căng mình ra để cố gắng hoàn thành trách nhiệm và sứ mệnh của mình, mong hỗ trợ bệnh nhân ngày một tốt hơn trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Dù được thành lập và hoạt động trong điều kiện thiết thốn cơ sở vật chất và nhân lực, các khu cách ly và bệnh viện dã chiến vẫn theo dõi và điều trị tốt cho bệnh nhân. Những ngày gần đây, tín hiệu vui liên tục đổ về khi hàng trăm F0 mỗi ngày đủ điều kiện xuất viện.

Các chuyên gia nhận định vai trò phân loại, sàng lọc và sơ cứu ở những tầng điều trị ban tiên rất quan trọng để hạn chế F0 chuyển nặng và tử vong. Tuy nhiên, với số ca mắc và trở nặng không ngừng tăng lên gánh nặng trên vai các đơn vị này ngày một lớn, rất cần được bổ sung nhân lực và thiết bị.

Bích Huệ – Tạp chí Zing.vn

Theo Zing.vn

Ảnh: Bệnh nhân được thở oxy và chăm sóc tích cực tại khu cách ly dã chiến ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://zingnews.vn/benh-vien-da-chien-tuyen-huyen-o-tphcm-can-chi-vien-post1249591.html