Bất cập từ những dự án nâng cấp đường giao thông trọng điểm ở Sơn La

Là những dự án đường giao thông trọng điểm để phát triển kinh tế các huyện vùng cao của Sơn La, dù được đầu tư nâng cấp hàng chục tỉ, thậm chí hơn trăm tỉ đồng nhưng nhiều tuyến đường xuống cấp ngay cả khi chưa nghiệm thu và đưa vào bàn giao sử dụng.

Bất cập từ công tác đấu thầu…

Dự án nâng cấp đường nối từ Tỉnh lộ 106 đến khu tái định cư Pú Nhuổng, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang trong giai đoạn nâng cấp nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 31/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ký quyết định số 3077/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối từ Tỉnh lộ 106 đến khu tái định cư Pú Nhuổng.

Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La làm chủ đầu tư. Hiện tại, cơ quan này đã được sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La.

Tháng 7/2021, ông La Minh Khôi (Trưởng ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La) ký quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu số 08 thuộc dự án trên. Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Một thành viên Hợp Phát 5588 – Công ty TNHH An Lộc trúng thầu với giá hơn 34 tỷ đồng. Thời gian thi công theo kế hoạch là 360 ngày. Tuy nhiên tại dự án này, trước đây báo chí cũng đã thông tin có nhiều vấn đề ngay từ khi bắt đầu đấu thầu. Gói thầu nêu trên có giá dự toán 35,028 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước, không qua mạng, theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ nhưng phát sinh nhiều kiến nghị.

Có 6 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT), nhưng chỉ có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Á Đông – Công ty TNHH MTV Tháng 8 (địa chỉ tại Vĩnh Phúc); Công ty TNHH MTV Hợp Phát 5588 (địa chỉ tại Sơn La); Công ty CP Xây dựng và Thương mại Sông Đà (địa chỉ tại Hòa Bình).

Kết quả đánh giá HSDT cho thấy, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Á Đông – Công ty TNHH MTV Tháng 8 bị loại do không đáp ứng các yêu cầu về nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công thực hiện Gói thầu. Trong số 2 nhà thầu được mở hồ sơ đề xuất tài chính, Công ty TNHH MTV Hợp Phát 5588 là nhà thầu có giá dự thầu thấp hơn, được lựa chọn trúng thầu với giá 34,707 tỷ đồng, giảm 0,9% so với dự toán giá gói thầu. Được biết, Hợp đồng thực hiện Gói thầu đã được ký kết. Thời gian thực hiện Hợp đồng là 360 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

Công ty TNHH MTV Hợp Phát 5588 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trước khi trúng gói thầu số 08, trong vòng 4 năm trở lại đây, trong vai trò nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Công ty TNHH MTV Hợp Phát 5588 được công bố trúng 11 gói thầu, đều trên địa bàn tỉnh Sơn La, với tổng giá trúng thầu ước đạt trên 210 tỷ đồng. Trong đó, tại Ban Quản lý dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, ngoài gói thầu hơn 34 tỷ đồng vừa trúng, nhà thầu này còn nằm trong Liên danh trúng Gói thầu số 10 Thi công xây lắp đoạn từ cầu 308 đến cầu Dây Văng thuộc Dự án Kè suối Nặm La, TP. Sơn La – giai đoạn 2 (trúng thầu tháng 11/2017, giá trúng thầu là 86,474 tỷ đồng).

Nhiều nhà thầu bị loại tại gói thầu này tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La, các cơ quan chức năng khác “tố” Công ty TNHH MTV Hợp Phát 5588 có dấu hiệu kê khai không trung thực, khi trên thực tế, doanh nghiệp này không đáp ứng được các yêu cầu về báo cáo tài chính; doanh thu xây lắp; hợp đồng tương tự (quy mô, tính chất, giá trị thực hiện) theo yêu cầu của HSMT.

Ngày 31/5/2021, khi Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La phát hành HSMT gói thầu nêu trên ngay sau đó, nhiều nhà thầu đã có văn bản kiến nghị gửi Chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La phản ánh về những hạn chế cạnh tranh tại các nội dung đánh giá liên quan đến nguồn cung ứng nguyên, vật liệu và bãi tập kết vật tư, thiết bị phục vụ thi công Gói thầu. Theo phản ánh của các nhà thầu, phần nội dung đánh giá nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, HSMT quy định đối với xi măng, thép, nhựa đường, khi đề xuất hợp đồng nguyên tắc cung cấp các loại vật liệu này tại HSDT, nhà thầu phải đính kèm đồng thời các tài liệu chứng minh năng lực của nhà cung cấp, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bao gồm ngành nghề kinh doanh của đơn vị cung cấp; chứng nhận đại lý (nếu có); hóa đơn bán hàng hoặc hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị tương tự đã thực hiện. Tiêu chí này bị các nhà thầu cho rằng không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành.

Đoạn đường nối từ tỉnh lộ 106 đến khu tái định cư Pú Nhuổng chắp vá chằng chịt.

Đoạn đường nối từ tỉnh lộ 106 đến khu tái định cư Pú Nhuổng chắp vá chằng chịt.

Đối với vật liệu cát, đá, HSMT yêu cầu nhà thầu phải đề xuất các nguồn cung cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La, theo đó, có giấy chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác. Đồng thời, nội dung hợp đồng nguyên tắc phải thể hiện rõ khối lượng vật liệu…

Theo nhà thầu, việc HSMT giới hạn phạm vi nguồn cung trên địa bàn tỉnh Sơn La là đi ngược lại tinh thần cạnh tranh được quán triệt tại Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La ngay sau đó đã có văn bản đề nghị Chủ đầu tư khẩn trương nghiên cứu, rà soát, làm rõ và kịp thời có văn bản trả lời các nội dung kiến nghị, phản ánh, tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu. Ngày 18/6/2021, Chủ đầu tư phê duyệt điều chỉnh HSMT. Theo đó, điều chỉnh các nội dung quy định tại HSMT về các yếu tố cần thiết khác quy định nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, thiết bị. Nội dung điều chỉnh này trùng với nội dung kiến nghị của các nhà thầu. Ngày 9/5/2022, sau 1 năm nâng cấp, tuyến đường trên được bàn giao và đưa vào sử dụng. Thời hạn bảo hành 1 năm. Tuy nhiên, tại thời điểm thực tế khi đoạn đường đã hết thời hạn bảo hành, phóng viên ghi nhận nhiều đoạn mới được sửa chữa, chắp vá loang lổ. Có đoạn vẫn lởm chởm ổ gà, cống rãnh vẫn ngổn ngang, chưa có miệng che.

Để có thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ làm việc với Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Ông Nguyễn Văn Thể, Giám đốc Ban Quản lý thừa nhận có việc hỏng hóc, xuống cấp nhưng lỗi là do… tự nhiên. “Nhiều đoạn đổ bê tông, nhiều đoạn chỉ rải nhựa do kết cấu địa chất, nên không thể tránh khỏi hỏng hóc, vì trong thời hạn bảo hành nên nhà thầu đã khắc phục, sửa chữa. Đó chỉ là những lỗi nhỏ được phép, không ảnh hưởng đến việc nghiệm thu. Tuyến đường đã được nghiệm thu, các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đã đi kiểm tra. Theo quy định khi hết hạn bảo hành sẽ được bàn giao cho bên quản lý đường bộ duy tu và bảo trì”, ông Thể cho biết.

…Đến thi công không đảm bảo chất lượng

Tương tự, Tỉnh lộ 112 là tuyến đường giao thông quan trọng từ trung tâm huyện Bắc Yên lên các xã vùng cao như Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú và kết nối sang huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái. Khi hoàn thành sẽ giúp người dân đi lại, giao thương thuận tiện, cũng như phục vụ cho hoạt động du lịch và tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Hiện dự án nâng cấp tỉnh lộ 112 đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp từ nền đường bê tông cũ. Với tổng chiều dài tuyến 26,9 km, được đầu tư hơn 116 tỷ đồng cho phần thi công xây dựng, tỉnh lộ 112 được coi là dự án giao thông trọng điểm, có tính chất đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội các xã vùng cao của huyện Bắc Yên.

Dự án có quy mô và các chỉ tiêu kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi, bề rộng nền đường 6,5m không kể rãnh dọc, bề rộng mặt đường 3,5m. Kết cấu mặt đường gồm: lớp móng dày 15cm, lớp mặt bê tông M350 dày 22cm, lớp đá dăm láng nhựa 3 lớp dày 3,5cm.

Mặc dù hồ sơ thiết kế kỹ thuật là vậy, thế nhưng một số đoạn dù đã hoàn thiện từ vài tháng nay, đang trong quá trình chờ nghiệm thu để đi vào sử dụng nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp. Để ghi nhận thực tế, phóng viên Báo CAND đã đến tận hiện trường. Điểm từ Km20-Km30 đang trong giai đoạn thi công sửa chữa nâng cấp, đất đá ngổn ngang, không có biển cảnh báo nguy hiểm, công nhân không sử dụng các phương tiện bảo hộ; nguyên vật liệu thì tập kết ngổn ngang khiến việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều đoạn các phương tiện giao thông không thể qua lại, phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ để máy xúc, máy lu san tạm đường để xe qua. Tại những đoạn đường đã hoàn thiện, đá dăm lớp láng nhựa không đủ độ dày, phần đá dăm trên cùng khó kết dính khiến bề mặt đường trở nên nham nhở. Theo thiết kế phần lề đường phải được gia cố lề bằng đá thải dày 15cm, nhưng xuất hiện nhiều đoạn sử dụng đất để gia cố, không đảm bảo chất lượng. Thậm chí có đoạn bị lún, in hằn cả vết bánh xe ô tô.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi triển khai dự án, đại diện UBND huyện Bắc Yên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Yên là đơn vị thực hiện tổ chức mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Có ba gói thầu thi công gồm gói thầu số 10: Thi công xây dựng đoạn Km39-Km47; Gói thầu số 09: Thi công xây dựng đoạn Km30-Km39 và Gói thầu số 08: Thi công xây dựng đoạn Km20-Km30 công trình: Đường tỉnh 112 (đoạn Làng Chếu – Xím Vàng), huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Trong đó Công ty TNHH MTV Tân Phát Sơn La trúng thầu 2 gói là Gói thầu số 10 và Gói thầu số 9. Cụ thể, ngày 30/12/2021, Công ty này đã được phê duyệt trúng thầu Gói thầu số 10 theo Quyết định số 2049/QĐ-UBND. Giá trúng thầu gói thầu này là 35.926.666.000 VND, tức chỉ tiết kiệm 56,835 triệu cho gói thầu có giá dự toán lên đến 35.983.501.000 VND. Tương đương tỷ lệ tiết kiệm cực thấp 0,15%.

Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Tân Phát Sơn La tiếp tục có mặt trong liên danh với 2 Công ty TNHH Thương mại và Quảng cáo trẻ, Công ty TNHH Nhàn Phát Tây Bắc để trúng gói thầu số 9. Theo Quyết định số 2048/QĐ-UBND, liên danh này trúng thầu với giá 37.074.999.000 VND, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước vỏn vẹn 50,52 triệu đồng cho 1 gói thầu hơn 37 tỷ. Đạt tỷ lệ tiết kiệm chỉ 0,13%. Ở gói thầu còn lại, một liên danh nhà thầu còn trúng thầu với giá 43.412.042.000 VND, tiết kiệm 8,327 triệu đồng cho gói thầu 43.420.369.000 VND, tỷ lệ chỉ tương đương 0,01%. Tổng cộng, sau khi chia nhỏ thành 3 gói thầu, qua quá trình đấu thầu tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 115,682 triệu đồng. Trong khi tổng mức đầu tư dự án được Trung ương rót vốn là 137 tỷ 247 triệu đồng.

Để thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Bắc Yên. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Yên cho rằng, tuyến đường vẫn đang trong quá trình thi công, chưa nghiệm thu. Nếu có vấn đề, Ban quản lý sẽ yêu cầu nhà thầu sửa chữa để đảm bảo chất lượng.

Song Ngọc – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Tỉnh lộ 112 ngổn ngang vật liệu xây dựng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/giao-thong/bat-cap-tu-nhung-du-an-nang-cap-duong-giao-thong-trong-diem-o-son-la-i697241/