Bao năm ngóng trông một cây cầu

Bất chấp nguy hiểm luôn rình rập, nhiều năm qua người dân thôn 19 và 20 (xã Krông Buk) phải liều mình vượt sông bằng thuyền tự đóng. Có những lần vượt sông người và nông sản rơi xuống dòng nước dữ, nhưng vì mưu sinh người dân vẫn phải ‘đánh cược’ với tử thần.

Hiểm nguy chực chờ

Chiếc thuyền tự làm nên thô sơ, dễ mục nát, hư hỏng. Ảnh: Trúc Hân

Chỉ cách trung tâm xã Krông Buk (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) hơn 10km, tuy nhiên nhiều năm qua, từ ngày đập Krông Buk Hạ được xây dựng, nước dâng lên cao người dân không thể di chuyển bằng con đường liên thôn ra xã mà phải đi đường vòng xa thêm gần 10km nữa.

Bà Trương Thị Lý (SN 1968, thôn 20, xã Krông Buk) cho biết, gia đình bà có 1ha đất bên bờ bên kia. Trước đây, khi đi làm nương rẫy gia đình bà có thể chạy xe thuận tiện, dễ dàng. Tuy nhiên, từ ngày đập Krông Buk Hạ xây dựng thì nước sông dâng lên cao, ngập đường đi nên mọi người phải dùng thuyền để di chuyển.

Mỗi lần nước cạn thì không sao nhưng đến khi mưa xuống việc qua sông với người dân là vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

“Hôm nào không mưa, không gió thì tôi mới giám đi, chứ mưa lớn sợ lật thuyền lắm nên chẳng ai giám đi. Con cái tôi đều được tập cho chèo thuyền, chứ còn sống với sông nước dài dài mà”, bà Ngấy ném ánh mắt về phía dòng sông nói.

Cũng theo bà Ngấy, thuyền di chuyển qua sông chủ yếu bằng gỗ do bà con tự đóng nên rất nguy hiểm. Tuy nhiên, do chi phí đóng thuyền nhôm cao, trên 10 triệu đồng nên chỉ có một số hộ gia đình mới có.

Từng chứng kiến cảnh 4 mẹ con chèo thuyền qua sông bị lật khi mưa lớn, đến nay bà Long Thị Ngấy (SN 1967, thôn 20) không giám một mình chèo thuyền mà phải đi cùng con gái.

“Hôm đó mưa lớn, gió to, 4 mẹ con họ chở cà phê về nhà. Tuy nhiên khi thuyền đi được nửa đường thì gió to, nước chảy siết khiến thuyền lật úp. May mắn có người nhìn thấy ra cứu kịp thời, nhưng nông sản và thuyền bị cuốn trôi mất”, bà Ngấy nói.

Cũng theo bà Ngấy, hơn 5 năm nay chiếc thuyền luôn gắn liền với việc mưu sinh của gia đình bà. Tuy nhiên, vừa qua chiếc thuyền bị mục nát, hư hỏng không thể di chuyển được. Bên cạnh đó, gia đình lại không đủ điều kiện đóng thuyền nhôm nên phải đi nhờ thuyền của người bà con.

“Ngày thường thì không sao, chứ hôm có mưa hoặc gió thì mình phải chèo hơn 1 tiếng đồng hồ để qua bờ bên kia làm rẫy. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch nhà không giám tự chở, sợ bị lật thuyền mà phải thuê thuyền máy với giá 150.000 đồng. Do đó, công làm, chăm sóc nhiều, nhưng đến khi thu hoạch thì chẳng có lời lãi bao nhiêu.

Không chỉ khó khăn trong việc làm nương rẫy, ngay cả việc học hành của các con cũng vô cùng bất tiện. Gia đình nào có điều kiện thì thuê trọ ngoài trung tâm huyện cho con học, còn không thì các cháu phải qua xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) để theo học.

Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng cầu để người dân yên tâm lao động, sản xuất”, bà Ngấy buồn rầu nói.

Mòn mỏi đợi xây cầu

Người dân phải chèo thuyền vượt sông làm nương rẫy, bất chấp nguy hiểm. Ảnh: Trúc Hân

Ông Hứa Văn Vân (Bí thư chi bộ thôn 19, xã Krông Buk) cho biết, từ năm 2014 đến nay, mỗi khi đập Krông Buk Hạ trữ nước để cung cấp cho các xã khác thì việc đi lại của người dân đa số bằng thuyền.

Tuy nhiên, những chiếc thuyền chủ yếu được người dân tự đóng bằng gỗ với giá từ 3-4 triệu đồng nên vô cùng nguy hiểm. Những năm qua có một số vụ lật thuyền, tuy nhiên may mắn không có thương vong, nhưng nông sản cùng thuyền của người dân đa phần bị trôi hết.

“Đặc biệt vào mùa mưa, nước dâng lên cao thì thôn 19 và 20 bị cô lập so với bên ngoài. Do đó việc đi lại, sinh sống của người dân vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên các cấp chính quyền, đến nay người dân vẫn đang ngóng trông cây cầu ”, ông Vân cho hay.

Về vấn đề này, ông Mai Kim Huệ – Chủ tịch UBND xã Krông Buk cho biết, 2 thôn 19 và 20 trước đây thuộc địa phận xã Ea Siên (Buôn Hồ) nhưng đến năm 2011 cắt chuyển qua xã Krông Buk với khoảng 180 hộ dân sinh sống.

Tuy nhiên, từ ngày chuyển qua xã mới điều kiện sống của người dân cũng khó khăn khi phải di chuyển bằng thuyền qua sông để ra xã. Còn gia đình nào muốn đi đường bộ phải di chuyển ra xã Ea Phê rồi mới ra trung tâm xã Krông Buk được.

“Vừa qua đoàn công tác của huyện đã xuống địa phương khảo sát để có chủ trường đầu tư xây dựng”, ông Huệ nói.

Trúc Hân – Báo GD&TĐ

Theo Giáo dục & Thời đại

Ảnh: Thuyền luôn được người dân neo đậu tại bến để phục vụ việc đi lại. Ảnh: Trúc Hân

Xem bài viết gốc tại đây:

https://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/bao-nam-ngong-trong-mot-cay-cau-4010598-c.html