Dự án ngăn triều được đầu tư 10.000 tỷ đồng đã trễ hẹn qua năm thứ tư, cùng nhiều công trình chống ngập trên địa bàn TP.HCM còn dang dở và đang ì ạch về đích.
Với tiến độ như hiện nay, cùng với việc mùa mưa cận kề thì gần như người dân tại nhiều quận, huyện vùng trũng của TP.HCM dự báo tiếp tục sống cùng nước ngập.
Bao giờ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hoàn thành?
Đã nhiều lần, gia đình ông Đinh Thế Q (ngụ phường Tân Phong, quận 7 TP.HCM) cùng nhiều hộ dân sống sống dọc các “điểm đen” ngập úng Trần Xuân Soạn và Lê Văn Lương (quận 7 TP.HCM) kiến nghị, góp ý đến chính quyền địa phương bằng nhiều cách khác nhau về cùng một nội dung “Bao giờ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hoàn thành?”.
Bởi vì, dự án này chậm bàn giao ngày nào thì người dân trong vùng ảnh hưởng của triều cường kéo dài qua các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh còn tiếp tục chịu đựng cảnh ngập úng ngày đó.
Ông Q cho biết: “Là một người dân trong vùng ảnh hưởng của triều cường, chúng tôi tha thiết mong muốn dự án sớm hoàn thành đi vào hoạt động như cam kết ban đầu của thành phố”.
Đã gần 6 năm kể từ ngày được khởi công, hiện trạng công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn dang dở với ngổn ngang nhiều hạng mục. Vào thời điểm này 4 năm trước, dự án được dự kiến hoàn thành vào dịp lễ 30/4/2018 với cam kết lập tức giúp TP.HCM kiểm soát ngập úng do triều cường cho một khu vực 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân dọc bờ hữu sông Sài Gòn và một phần trung tâm TP.HCM.
Mặc dù vậy, người dân chưa kịp mừng thì xảy ra nhiều bất cập khiến dự án buộc phải tạm ngưng đến cuối năm 2020. Lý do: UBND TP.HCM chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng cũ đã hết hạn vào tháng 6/2020).
Ông Hồ Minh Khuê, ngụ phường Tân Phú, quận 7 tâm tư: “Nhà tôi ở gần công trường thi công cống Tân Thuận của dự án nhưng có thời gian im ắng nhiều tháng không thấy thi công. Nhìn một công trình nghìn tỷ như thế, lại là một trong hai dự án tiêu biểu cả nước được Quốc hội chỉ đạo phải tăng tiến độ để hoàn thành sớm, nhưng lại trễ hẹn năm thứ tư liên tiếp thì khó có thể chấp nhận. Nhất là, mùa mưa đang đến gần, người dân chúng tôi sẽ vẫn phải chịu cảnh ngập úng này”.
Cùng với đó, Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã chỉ rõ nhiều tồn tại, bất cập của dự án chống ngập tỷ này. “Tôi đã theo dõi quá trình tiến độ dự án. Đây là dự án chống ngập lớn nhất của thành phố nhưng đã phải dừng thi công do vướng mắc trong một số điều khoản ký kết phụ lục hợp đồng. Vướng mắc này đã khiến chính các Sở ngành dù họp bàn nhiều lần với chủ đầu tư nhưng chưa tìm ra giải pháp giải quyết được, hệ quả dẫn tới dự án bị trễ hẹn sang năm thứ tư liên tiếp” – Luật sư Tâm phân tích.
Nhu cầu rất cấp thiết
Dự án chống ngập nghìn tỷ của TP.HCM tiếp tục trễ hẹn năm này qua năm khác đã không chỉ là sự quan tâm thiết thực đối với người dân các quận trung tâm TP.HCM và hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh mà còn được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.
Dự án ngăn triều cho khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã hoàn thành hơn 90% hạng mục và cần phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, ngoài chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi công công trình thì UBND TP.HCM chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát lại, loại bỏ các chi phí bất hợp lý tại dự án. Dự án chậm tiến độ vì lý do gì thì phải rà soát, khắc phục tối đa các tồn tại.
Về nguyên nhân dự án trễ hẹn năm thứ tư liên tiếp, ông Nguyễn Huy Bình – Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư thuộc Ban Quản lý Dự án xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, thành phố đang rất quyết tâm và đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết để dự án có thể hoàn thành trong năm nay.
Hiện tại dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng nhưng vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc liên quan đến thủ tục tái cấp vốn. Tuy nhiên, với nỗ lực của nhiều Sở ngành đã tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo tháo gỡ trực tiếp nhiều thủ tục, đến nay đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa.
Trong đó, dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và theo hợp đồng TP.HCM sẽ thanh toán khoảng 16% giá trị hợp đồng bằng quỹ đất cho nhà đầu tư, trong khi hơn 84% được thanh toán bằng tiền mặt. Các đơn vị cũng đang đề xuất một số quỹ đất để hoàn tất việc thanh toán cho nhà đầu tư. Vẫn theo ông Bình, dự kiến công trình sẽ được đẩy nhanh tiến độ để kịp cơ bản hoàn thành trong năm nay và đến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác thanh quyết toán liên quan đến dự án.
Ngoài “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ đồng, một số công trình chống ngập riêng lẻ, như dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức); dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực các quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp; dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)… cũng trong tình trạng tương tự khi tiếp tục về đích trễ hẹn. Có công trình như dự án cải tạo kênh Xuyên Tâm đã thi công ì ạch 20 năm qua, đội vốn tới 76 lần và UBND TP.HCM từng phải “cầu cứu” ngân sách Trung ương.
Tương tự, đối với dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) có tổng vốn đầu tư là 1.980 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng đã phát sinh lên đến 1.600 tỷ đồng cũng đang khiến dự án này trong tình trạng “nằm chờ vốn”. Theo ước tính, riêng mức đội chi phí giải phóng mặt bằng của dự án đã tăng gần gấp 3 lần (hơn 1.460 tỷ đồng) so với dự kiến đưa ra các năm trước đây (trên 500 tỷ đồng).
Hiện TP.HCM không thể bố trí vốn triển khai dự án này và UBND TP.HCM mới đây cũng đã phải gửi đề xuất Trung ương hỗ trợ toàn bộ vốn đầu tư cho cải tạo kênh Hy Vọng.
TS Trương Thị Minh Sâm- Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM (HASEM) cho biết, TP.HCM là nơi có nhiều dự án có vốn đầu tư nhiều ngàn tỷ lớn nhất cả nước. Vì vậy, chúng ta chia sẻ với các khó khăn nói chung mà chính quyền thành phố phải tháo gỡ thời gian qua.
Đối với Dự án ngăn triều cho khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) thì Thủ tướng đã ban hành nghị quyết số 40 và đã xác định đây là công trình ưu tiên vì hết sức cấp bách và cần phải hoàn thành sớm để giải quyết cho vấn đề ngập lụt của TP.HCM.
Nhiệm vụ này đã được giao cho UBND thành phố chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng theo quy định pháp luật, trong đó có trách nhiệm phải rà soát lại, loại bỏ các chi phí bất hợp lý. Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng rất đồng tình là bất kể “siêu dự án” nào đã được cả Trung ương và TP.HCM tập trung tháo gỡ mà trễ hẹn nhiều lần thì cũng phải xử lý rốt ráo, kể cả thu hồi dự án nếu không hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh – Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng, hiện nay MTTQ có chức năng giám sát đối với quá trình triển khai cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Như vậy, ở góc độ của mình thì MTTQ và HĐND phải là các cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân tại các khu vực dân cư. “Tôi xin đặt vấn đề như vậy bởi vì dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng của TP.HCM ảnh hưởng đến hầu hết người dân trong vùng ảnh hưởng của triều cường kéo dài qua các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh. Ông Ninh nói: Những cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội phải là các cơ quan tham gia vào quá trình ấy, bảo đảm dự án thực hiện đúng tiến độ và hoàn thành đúng thời gian xin “trễ hẹn” đến cuối năm nay, trong đó có cả trách nhiệm mà Chính phủ đã giao cho UBND TP.HCM tại siêu dự án này”. |
Bùi Hằng – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Ảnh minh họa.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/bao-gio-nhung-du-an-chong-ngap-ve-dich-66613.html