Đến năm 2030, rác thải điện tử có thể đạt 82 triệu tấn, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, môi trường và khí hậu.
Một báo cáo mới đây của Cơ quan Giám sát rác thải điện tử toàn cầu thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy lượng rác thải điện tử toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục và đang tăng nhanh gấp 5 lần so với tốc độ tái chế.
Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, môi trường và khí hậu, trở thành một hiểm họa khôn lường nếu không có biện pháp kịp thời.
Năm 2022, thế giới đã tạo ra 62 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 82% so với năm 2010. Đáng lo ngại, chỉ khoảng 22,3% rác thải này được thu gom và tái chế. Với tốc độ này, đến năm 2030, rác thải điện tử có thể đạt 82 triệu tấn. Rác thải điện tử chứa nhiều chất độc như chì và thủy ngân, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa sức khỏe con người.
Ông Jim Puckett, CEO của Mạng lưới hành động Basel nhận định rằng các nhà sản xuất thiếu trách nhiệm trong việc quản lý sản phẩm của họ khi hết vòng đời. Tại các quốc gia phát triển, mỗi người dân có thể tạo ra tới 20kg rác thải điện tử mỗi năm, trong khi 800.000 tấn rác thải này được chuyển từ các nước phát triển sang các nước ở Nam bán cầu hàng năm.
Mặc dù mối lo ngại về rác thải điện tử ngày một tăng, chỉ có 81 quốc gia có chính sách về vấn đề này vào năm 2023. Một số quốc gia, như các nước trong EU và Ấn Độ, đã có các biện pháp khuyến khích sửa chữa và tái chế sản phẩm điện tử. Tuy nhiên, tại Mỹ, vẫn chưa có luật liên bang quy định việc tái chế đồ điện tử.
Chuyên gia Kees Baldé của Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước phát triển chấm dứt việc chuyển rác thải điện tử sang các quốc gia không có khả năng xử lý. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy sửa chữa và tái sử dụng, và ngăn chặn vận chuyển rác thải điện tử bất hợp pháp.
Việc quản lý và xử lý rác thải điện tử đúng cách không chỉ giúp giảm tình trạng ô nhiễm mà còn tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính. Nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng, ngành công nghiệp và chính quyền địa phương cần được nâng cao để đối phó với cuộc khủng hoảng rác thải điện tử đang ngày một gia tăng.
Tú Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Chỉ khoảng 22,3% rác thải điện tử được thu gom và tái chế. Ảnh: ITN