Vùng đất ngập nước đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Đất ngập nước cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia, bao gồm cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp, du lịch…
Đặc biệt, đất ngập nước có khả năng dự trữ carbon (các vùng đất than bùn chứa đựng 30% lượng các bon ở mặt đất), điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu.
Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; 40% các loài sinh vật trên Trái Đất sinh sống và sinh sản ở các vùng đất ngập nước. Đa dạng sinh học vùng đất ngập nước góp phần làm sạch nguồn nước, chất ô nhiễm; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển.
Theo số liệu thống kê, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2017. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước để thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, xây dựng hành lang pháp luật về quản lý đất ngập nước như: Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, Thông tư số 07/2020/TTBTNMT ngày 31/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP; quy hoạch thành lập mới 45 khu bảo tồn đất ngập nước đến năm 2030, đề cử công nhận được 09 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar).
Trong năm 2020 Việt Nam thành lập thêm được 02 khu bảo tồn đất ngập nước; tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn sử dụng bền vững đất ngập nước và có nhiều mô hình sử dụng khôn khéo đất ngập nước với sự tham gia của cộng đồng được triển khai nhiều nơi trên cả nước.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang gia tăng sự không chắc chắn trong việc quản lý, áp lực đối với sức khỏe của đất ngập nước. Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo tồn đất ngập nước.
Đánh giá Thiên niên kỷ về Công ước Ramsar và tương lai của đất ngập nước, Ban Thẩm định Khoa học và Kỹ thuật Ramsar đã đưa ra các cảnh báo như việc suy thoái và biến mất của đất ngập nước diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với các hệ sinh thái khác.
Tương tự như vậy, ở một mức độ thấp hơn, các loài sinh vật nước ngọt và ven biển đang suy thoái nhanh hơn so với các loài trong các hệ sinh thái khác. Đa dạng sinh học liên quan đến đất ngập nước nhiều nơi trên thế giới đang suy giảm nhanh và liên tục ở mức báo động.
Theo phân tích của Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội, biến đổi khí hậu tác động tới hệ sinh thái đất ngập nước theo nhiều cách khác nhau. Nhiệt độ tăng sẽ tác động tới các loài động, thực vật nhạy cảm với nhiệt độ. Lượng mưa gaimr thu hẹp diện tích đất ngập nước, làm tăng phát thải khí nhà kính vào khí quyển do sự phân hủy của các chất hữu cơ, nhất là than bùn. Nước biển dâng dẫn tới sự thu hẹp diện tích phân bổ địa lý của các vùng đất ngập nước.
Đặc biệt, các hệ sinh thái đất ngập nước phụ thuộc một cách chặt chẽ vào mức nước của thủy vực, nên sự thay đổi các điều kiện khí hậu sẽ ảnh hưởng tới lượng nước trong các hệ sinh thái, ảnh hưởng tới các chức năng đặc trưng của đất ngập nước, bao gồm cả thành phần và cấu trúc của các quần thể sinh vật và sinh kế của người dân địa phương.
Cùng với đó là xu hướng tăng cao hàm lượng các chất hữu cơ kèm theo các chất dinh dưỡng, hóa chất độc hại thường gây hiện tượng tảo nở hoa, tảo độc (hiện tượng thủy triều đỏ) đe dọa tài nguyên sinh vật vùng đất ngập nước. Hiện tượng này nhiều lần xuất hiện ven biển Bình Thuận, Khánh Hòa và khu vực biển miền Trung làm cá chết hàng loạt, mặt khác làm ảnh hưởng đến môi trường và du lịch biển. Chưa kể nạn sử dụng thuốc nổ, độc tố xyanua đánh bắt cá gây ô nhiễm môi trường đáy biển. phá hủy nghiêm trọng các rạn san hô ở Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo… nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.
Một trong những bất lợi trong công tác bảo tồn và quản lý đất ngập nước nữa là hầu hết các vùng này rất khó khăn về vốn đầu tư, hàng năm nguồn vốn này được nhận chủ yếu từ ngân sách hạn chế của địa phương. Nên các vùng đất ngập nước hầu như không có kinh phí để tổ chức việc giám sát, thu thập số liệu, đánh giá diễn biến tài nguyên sinh vật và về đa dạng sinh học.
Trao đổi với TTXVN, TS Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cho rằng khôi phục các vùng đất ngập nước đã bị suy thoái là cách hiệu quả và kinh tế để tăng lưu giữ nước mặt và nước ngầm, cải thiện chất lượng nước, duy trì sản xuất nông nghiệp, thủy sản và bảo vệ đa dạng sinh học. Các giải pháp để dừng các hoạt động làm suy thoái đất ngập nước cần được chú trọng.
Khôi phục đất ngập nước và duy trì chu kỳ thủy văn là vô cùng quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ lũ, cấp nước, cung cấp thực phẩm và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đất ngập nước ven biển sẽ đóng một phần quan trọng trong các chiến lược ứng phó với các vấn đề trong khu vực ven biển do nước biển dâng gây ra.
Các chiến lược giải quyết biến đổi khí hậu phải gồm việc sử dụng đất ngập nước một cách khôn ngoan. Các cá nhân, cộng đồng và chính quyền phải hợp tác để bảo vệ, đối phó và phục hồi các hệ sinh thái khỏi các tác động của biến đổi khí hậu.
Trước mắt, trong bối cảnh hiện nay, một số biện pháp cần được thúc đẩy để bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước như đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Nhật Hạ – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Trong năm 2020 Việt Nam thành lập thêm được 02 khu bảo tồn đất ngập nước.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/bao-dong-suy-thoai-vung-dat-ngap-nuoc-52974.html