Sáng ngày 2/10/2021, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Kiến trúc với môi trường sạch và ứng phó dịch bệnh” kết hợp trực tuyến với các diễn giả quốc tế và Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 500 KTS trên nền tảng zoom và gần 500 lượt xem trực tuyến trên các kênh truyền thông của Hội KTS Việt Nam và Hội KTS địa phương. Nội dung chuyên môn của Hội thảo được Hội KTS Việt Nam đưa vào chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD), nhằm cung cấp những kiến thức, tặng điểm CPD cho các KTS đáp ứng đủ các yêu cầu tham gia với số điểm tích lũy đạt 1.7 điểm CPD.
Tại hội thảo, các diễn giả ra đã đưa ra các vấn đề từ môi trường và biến đổi khí hậu, kiến trúc công cộng và cảnh quan sinh thái đến nhà ở, đặt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, những tác động đã khiến con người thay đổi tư duy thiết kế và những tinh thần cốt lõi sẽ không thay đổi trong mọi bối cảnh.
Tác động của toàn cầu hoá và dịch bệnh Covid-19 đến kiến trúc.
Phát biểu mở đầu hội thảo, Giáo sư người Tây Ban Nha – KTS Salvador Pérez Arroyo cho biết, môi trường hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi nhiều tác động của toàn cầu hoá như nhiễm độc không khí; nồng độ axit của nước biển tăng; sự hiện diện của nhiều thành phần hóa học trong khí quyển, thuốc diệt côn trùng… đang làm giảm tuổi thọ cuộc sống. Nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên với những tác động thứ cấp.
Nói về dịch bệnh, theo TS người Tây Ban Nha, trong những năm qua, toàn cầu hóa đã xâm nhập đến bất kỳ nơi nào trên hành tinh, song song với nó là các loại dịch bệnh mà chúng ta phải chịu đựng chung. Có thể trong tương lai gần các loại dịch bệnh khác cũng sẽ lan rộng trên toàn thế giới. Ông cho rằng kiến trúc có thể giải quyết phần nào cả hai vấn đề này. Tiến sĩ nhấn mạnh: “Dịch bệnh sẽ là thách thức mới đối với các kiến trúc sư. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến những thiết kế tốt mà còn cần quan tâm đến vai trò to lớn trong việc quy hoạch các vùng lãnh thổ, tạo ra lối sống mới, tích hợp với tri thức toàn khoa học. Chỉ khi hợp tác cùng nhau, các kiến trúc sư, nhà sinh vật học, kỹ sư… mới có thể đóng góp vào việc bảo vệ hành tinh.”
KTS Sơn Đặng khi chia sẻ về Covid 19 và các tác động đến đô thị toàn cầu cho rằng, sự phát triển của đô thị toàn cầu luôn song hành cùng dịch bệnh. Theo ông, Covid 19 đã đẩy các đô thị đến những chiều kích khác nhau. Covid 19 không phải là hiểm hoạ dịch bệnh đầu tiên và cũng sẽ không phải hiểm hoạ cuối cùng. Chúng ta cần phải chuẩn bị các phương án để đối diện với điều này, cùng nhiều các vấn đề khác về đô thị hoá. Đô thị luôn là chủ thể của các hiểm hoạ không lường, không phải chỉ riêng dịch bệnh. Để giải quyết vấn đề môi trường và dịch bệnh cần sự kết hợp của nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực kiến trúc.
Kiến trúc và những tác động tích cực đến môi trường sống
PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng cho rằng không gian công cộng có thể mang đến sự thay đổi cho bộ mặt đô thị, tạo ra những không gian đáng sống nếu chúng ta biết khai thác, sử dụng hiệu quả. Thực tế trên thế giới và tại Việt Nam, bằng sức sáng tạo, các KTS có thể biến các không gian chết, các nơi tập kết rác, những nhà máy bỏ hoang trở thành một không gian hữu ích, lành mạnh, đem lại các giá trị về tinh thần và kinh tế cho đô thị, thậm chí có thể tăng sức hút cho thành phố.
KTS Phạm Anh Tuấn – Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Đại học Xây dựng Hà Nội đã chia sẻ cách kiến trúc cảnh quan thích ứng với biến đổi khí hậu và những bài học cho Việt Nam, đồng thời mang đến những nhìn nhận đúng về khái niệm “kiến trúc cảnh quan”. Theo KTS Phạm Anh Tuấn, kiến trúc cảnh quan không phải là trồng cây, mà phải hướng đến nuôi dưỡng một cảnh quan đa dạng, có khả năng phục hồi, là tài sản tự nhiên của khu vực về khả năng kết nối sinh thái, cải thiện chất lượng không khí, đa dạng sinh học và bền vững; tạo môi trường sống có ý nghĩa cho khu vực; tổ chức nội bộ công viên xung quanh các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có và các cơ hội địa phương để tăng cường tạo môi trường sống; thiết kế và cải thiện sinh thái từng giai đoạn để đất công viên có thể được hiểu và tận hưởng trong từng giai đoạn phát triển của nó như một loại hình “cảnh quan trong quá trình hoàn chỉnh” rõ ràng, được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển liên tục theo thời gian; tích hợp các kế hoạch cải thiện sinh thái với các hoạt động quản lý bãi chôn lấp đang diễn ra để tăng lợi ích, giảm chi tiêu công và tăng cường tính bền vững của địa điểm.
Theo ThS. KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vui, kiến trúc sinh thái góp phần bảo vệ thiên nhiên. Kiến trúc cần dựa trên cảm hứng cảnh quan bao cảnh và sự hòa hợp kiến trúc vào thiên nhiên, hạn chế tối đa can thiệp vào thiên nhiên và môi trường xung quanh, cũng như sử dụng các vật liệu phi tự nhiên. Khi đó, Công trình như một sự bổ sung trọn vẹn không thừa không thiếu, thể hiện sự tinh tế và thống nhất với thiên nhiên trong tổng thể sau khi được tạo dựng.
Kiến trúc nhà ở với đô thị hoá và thích ứng với dịch bệnh
KTS Hoàng Thúc Hào đã nghiên cứu và đề xuất mô hình kiến trúc mới, dựa trên nền tảng cũ, tạo ra những đổi mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và tương lai. Đó là các mô hình “làng mới” – một quần thể, nơi tập trung sinh sống của nhiều hộ gia đình. Mặc dù với thiết kế khác nhau, nhưng các mô hình này đều tạo dựng được những không gian ở hấp dẫn về kiến trúc, đa về cảnh quan, lành mạnh trong lối sống, bảo vệ môi trường, phù hợp với đặc tính người dân khu vực đó, tạo ra sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Theo ông Hoàng Thúc Hào, những vấn đề gặp phải của các đô thị hay các làng quê đang phát triển luôn có những tương đồng, tuy nhiên, điều quan trọng khi đưa ra những giải pháp thiết kế cho các đô thị này, chúng ta cần giữ lại được giá trị cốt lõi của chúng.
KTS Nguyễn Hoàng Mạnh, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành, KTS chủ trì MIA Design Studio đã chia sẻ mô hình nhà ở đơn lập, tại một khu vực đang là trung tâm vùng dịch tại Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho rằng, khi dịch bệnh xảy ra, chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, thời gian ở nhà của chúng ta trở nên dài hơn bao giờ hết. Nhà ở không còn chỉ là nơi để sinh hoạt, nghỉ ngơi thư giãn mà còn trở thành nơi sinh hoạt, học tập. Điều này đã làm thay đổi những suy nghĩ về nhà ở. Trong đó, có một số thay đổi đáng chú ý như: Các không gian sống, dù cũ hay mới, cao tầng hay thấp tầng, ban công cũng trở nên đặc biệt quan trọng, nơi duy nhất để hít thở khí trời; các không gian sống, đặc biệt các không gian sinh hoạt chung, không gian chuyển tiếp cần trở nên linh hoạt đa chức năng hơn; tạo thêm các không gian riêng biệt cách ly, không gian này đặc biệt quan trọng trong thời gian vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, khi thành phố áp dụng điều trị tại nhà đối với các bệnh nhân covid nhẹ; vật liệu xây dựng và thiết bị bền vững hơn và hạn chế bảo trì tối đa; tạo ra mô hình tự cung tự cấp thực phẩm tại nhà; tăng cường không gian tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
Trao đổi về không gian sống, đại diện Tập đoàn LIXIL và Tập đoàn bày tỏ quan điểm và cam kết hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ông Katsuaki Uchidate, Tổng Giám đốc Khối thương mại, Lixil Việt Nam khẳng định: Trách nhiệm doanh nghiệp của LIXIL là trở thành công ty được tin tưởng nhất thông qua cải thiện chất lượng không gian sống và cam kết có tính đổi mới, LIXIL mong muốn sẽ bảo vệ nước, năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên khác, đặt mục tiêu không các bon và phát sinh khí thải. Ông Adachi Satoshi, Giám đốc Ngành hàng Điều hoà thương mại Panasonic Air – Conditioning Việt Nam cũng bày bỏ mong muốn chung tay cùng các KTS Việt Nam nâng cao chất lượng không gian trong nhà. Panasonic sẽ mang đến những giải pháp để nâng cao chất lượng không khí cho người Việt.
Với những đóng góp của các KTS quốc tế và Việt Nam, Hội thảo đã hể hiện sự quan tâm, ủng cũng như trách nhiệm của các KTS, chung tay cùng tạo lập, xây dựng nên các công trình và đô thị xanh hơn, bền vững hơn, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu cũng như các đại dịch toàn cầu…
Ngọc Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Toàn cảnh hội thảo