Vấn đề xử lí nước thải và chất thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang là một thách thức không nhỏ với người nuôi tôm tại Bạc Liêu hiện nay.
Với những ưu điểm vượt trội như tôm lớn nhanh, nâng suất cao, tỷ lệ thành công cao đạt trên 90%, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang phát triển khá nhanh.
Tuy nhiên, hệ quả lớn nhất của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là vấn đề ô nhiễm môi trường, nếu không có hướng giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi tôm truyền thống.
Theo đó, nuôi tôm siêu thâm canh thường có mật độ khá dầy từ 250 – 300 con/m2, vì vậy, vấn đề giải quyết nước thải và chất thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang là một thách thức không nhỏ.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần phải xây dựng hệ thống xử lý bài bản như: Ao ương, ao tôm thịt và ao lắng. Bên cạnh đó, khu xử lý chất thải phải được xử lý hoàn chỉnh gồm: Ao chứa thải, chứa bùn kết hợp với hệ thống yora để xử lý chất thải triệt để trước khi đưa ra môi trường.
Tuy nhiên, trên thực tế các hộ nuôi tôm siêu thâm canh xây dựng hoàn chỉnh khu nuôi, đảm bảo xử lý chất thải còn hạn chế, chỉ chiếm số ít. Đa số các hộ nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến các tuyến kênh trong khu vực có hộ nuôi tôm siêu thâm canh bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thúi, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của các hộ nuôi tôm xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Mão, ngụ xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Mặc dù chính quyền địa phương đã xuống tận nơi các hộ có nuôi tôm siêu thâm canh để tuyên truyền, vận động và các hộ dân cũng đã cam kết xử lý nguồn nước trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, khi không có lực lượng chúc năng các hộ dân vẫn lén lút xả thải ra bên ngoài mà không xử lý nguồn nước.
Việc các hộ nuôi tôm siêu thâm canh lén lút xả thải ra môi trường đã xảy ra trong nhiều năm qua, tuy nhiên việc giải quyết dứt điểm thực trạng này vẫn còn là bài toán cho ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu.
Anh Nguyễn Hoàng Tính, người nuôi tôm tại xã Long Điền, huyện Đông Hải, cho biết: Có nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh khi thu hoạch tôm xong xả thải hết ra ngoài mà không xử lý làm nguồn nước ô nhiễm, bà con xung quanh không dám bơm bước bên ngoài vô để nuôi tôm.
Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu khoảng vài chục ha, nhưng đến nay nhờ mô hình nuôi hiệu quả, người nuôi có lãi cao nên mô hình siêu thâm canh được nhân rộng. Đến nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã vượt qua con số 2.000ha, với sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn/năm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang được người dân tiếp tục phát triển và nhân rộng, nhất là tại các tuyến huyện, diện tích nuôi đã tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên, đây là thời điểm những tác hại của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần được nhìn nhận rõ hơn để có một giải pháp tổng thể, hài hòa lợi ích giữa các bên và hướng tới sự phát triển bền vững.
Trọng Linh – Báo Nông Nghiệp
Theo Nông Nghiệp
Ảnh: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tuy mang lại hiệu quả kinh tế, ít rủi ro nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn. Ảnh: Trọng Linh.
Xem bài viết gốc tại đây: