Bài học cho Hà Nội sau bốn ngày sống chung với… rác

Ba nguyên nhân và cũng từ đó rút ra những bài học về sự cố rác thải mà Hà Nội cần phải làm ngay, đừng để lặp lại cảnh Thủ đô sống chung với rác!

Mỗi ngày, nội thành Hà Nội thải ra hơn 4000 tấn rác. Trong khi đó, chỉ có duy nhất một nơi để chứa là bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn). Vì thế mà khi dân Nam Sơn chặn đường, không cho đổ rác vào bãi thải thì chỉ trong 4 ngày, lượng rác tồn đọng tại nội thành Hà Nội đã lên tới gần 20.000 tấn.

Suốt từ ngày 10 đến 14-1, dân các quận nội thành đã sống chung với rác. Từng dãy dài xe chứa rác tập kết dọc nhiều tuyến phố. Rác tràn ngập xuống vỉa hè, lòng đường, phân hủy và bốc mùi hôi thối, làm mất mỹ quan thủ đô.

Đến chiều ngày 15-1, bãi rác Nam Sơn đã tiếp nhận hơn 800 xe chở rác với tổng khối lượng là 8.544 tấn (gần gấp đôi so với ngày thường). Dự kiến phải mất 4 ngày mới chuyển hết được 20.000 tấn rác này. Công ty Môi trường đô thị TP Hà Nội phải huy động 100% nhân viên và xe cộ gồng mình làm việc hết công suất.

Người dân Hà Nội, du khách từ trong và ngoài nước đến thủ đô mấy ngày qua bất bình với sự cố về rác. Mà đây không phải là lần đầu Hà Nội đối mặt với rác như thế. Trong vòng 2 năm (2017-2018), người dân Nam Sơn đã 3 lần chặn đường, ngăn không cho xe chở rác từ nội đô vào khu xử lý. Nhưng người dân thủ đô chưa bao giờ nhìn thấy rác thải ùn ứ chất cao như núi trong thành phố như lần này.

Tại sao chuyện ùn ứ rác cứ tái diễn mấy năm rồi mà Hà Nội chưa xử lý được?

Trước hết phải kể đến là nguyên nhân về quy hoạch dân cư ở nội đô. GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, tất cả các khu vực trong nội đô đang gặp vấn đề về quy hoạch. “Tình trạng mật độ dân cư thực tế ở các khu đô thị đang vượt mức 3-4 lần so với mật độ cho phép, điều này tạo ra áp lực lên môi trường thủ đô, khi lượng rác thải ra mỗi ngày tăng theo số lượng dân cư”.

Chuyên gia về quản lý môi trường, PGS.TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Công nghệ và Quản lý môi trường TP.HCM cũng cho rằng, việc tăng trưởng dân số tạo ra gánh nặng rất lớn đối với môi trường thành phố. Trong khi đó, các khu xử lý rác thải đều chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. “Chúng ta có thể thấy, nếu không có bãi rác Nam Sơn, thành phố Hà Nội hoàn toàn bất lực trong việc xử lý rác thải”, PGS.TS Lê Hùng Anh nói.

Nguyên nhân thứ hai là việc di dân ở khu vực quanh bãi rác Nam Sơn. Tình trạng cư dân ở Nam Sơn chặn xe rác vào khu xử lý cũng có lý do chính đáng của họ. Suốt mấy chục năm nay, họ phải sống chung với bãi rác khổng lồ. Nguồn nước, bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề. Đời sống sinh hoạt và công việc canh tác, sản xuất của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều căn bệnh nguy hiểm đã đe dọa tính mạng người dân ở đây. Mặc dù thành phố có kế hoạch di dân, đền bù trong bán kính 500 m tính từ bãi rác nhưng kế hoạch đó chưa được triển khai, để người dân tại Nam Sơn vẫn chờ đợi quá lâu. Một việc cấp bách, liên quan đến hàng trăm hộ dân như vậy mà làm chậm trễ thì hậu quả xảy ra là tất yếu.

Tuy nhiên, “việc di dời người dân trong bán kính 500 m chưa phải là giải pháp hiệu quả, bởi vì vùng ảnh hưởng còn rộng hơn rất nhiều. Giải pháp tốt nhất là thành phố phải thay đổi phương thức xử lý rác thải”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định. Về lâu dài, lượng rác thải tăng lên, diện tích bãi rác Nam Sơn sẽ phải tiếp tục mở rộng thì bán kính di dời dân lại phải mở rộng theo. Vì vậy, vấn đề mang tính chiến lược là phải tính đến công nghệ xử lý rác thải.Các nước đã có nhiều công nghệ xử lý rác hiện đại. Vậy tại sao chúng ta lại chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề rác thải? Không có kinh phí, trình độ tiếp thu công nghệ hay cơ chế đang trói buộc?

Khu xử lý rác thải Nam Sơn

Các chuyên gia về môi trường đã nêu ra giải pháp: Nhà nước nên giao việc xử lý rác thải cho các doanh nghiệp chuyên về môi trường. Sau khi phương án xử lý rác của doanh nghiệp được thành phố đồng ý, hai bên sẽ đưa ra một thỏa thuận hợp lý. Từ đó giảm áp lực cho các sở, ban, ngành môi trường của thành phố.

Một vấn đề nữa cũng cần phải nói đến là việc phân loại rác thải. Số rác thải mà xe rác thu gom được bao gồm nhiều loại, trong đó có rác thải rắn và rác thải có khả năng tái chế. Lâu nay mọi người đều để lẫn lộn các loại rác rồi đổ ra xe. Công nhân vệ sinh môi trường không thể phân loại khối lượng lớn rác hàng ngày được. Vì vậy, cần có quy định bắt buộc là mỗi hộ dân, trước khi chuyển rác ra khỏi nhà thì phải phân loại rác thành từng phần riêng biệt. Sau này, chúng ta có đủ hệ thống xử lý, tái chế rác thì rác thải không còn ùn tắc như hiện nay nữa. Và cách xử lý chỉ bằng chôn lấp rác sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Vì nhiều loại rác có thể tái chế mà đem chôn lấp, rất lãng phí. Rác thải có thể tái chế được chuyển thẳng tới nhà máy tái chế sẽ giảm gánh nặng cho các khu vực xử lý rác thải.

Ba nguyên nhân và cũng từ đó rút ra những bài học về sự cố rác thải mà Hà Nội cần phải làm ngay, đừng để lặp lại cảnh thủ đô sống chung với rác!

Đức Toàn – Báo Tổ Quốc

Theo Tổ Quốc

Ảnh: Suốt từ ngày 10 đến 14-1, dân các quận nội thành đã sống chung với rác (ảnh: Nam Nguyễn)

Xem bài viết gốc tại đây:

http://toquoc.vn/bai-hoc-cho-ha-noi-sau-bon-ngay-song-chung-voi-rac-20190116151711916.htm