Bắc Ninh: Chi 3,9 tỉ đồng cho hoạt động điều tra, đánh giá phân loại ô nhiễm môi trường

Từ nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề tại tỉnh Bắc Ninh đã liên tục gia tăng đến mức báo động. Vì vậy, UBND tỉnh đã có quyết định về việc điều tra, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường…

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định số 429/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí điều tra, đánh giá phân loại ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp với số tiền gần 3,9 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2021.

Mục tiêu chung của dự án là tăng cường công tác quản lý môi trường tại làng nghề, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Cụ thể gồm: Đánh giá hiện trạng môi trường đặc trưng tại các làng nghề, cụm công nghiệp; Phân loại làng nghề, cụm công nghiệp theo các mức độ ô nhiễm môi trường; Đánh giá thực trạng, những tồn tại trong công tác quản lý môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp và những vấn đề môi trường bức xúc; Kiến nghị, đề xuất các biện pháp quản lý, xử lý phù hợp với đặc thù của các loại hình làng nghề, cụm công nghiệp.

Theo đó, nội dung thực hiện điều tra, thu thập các thông tin, số liệu liên quan; điều tra thực trạng môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp; khảo sát, quan trắc mẫu khí, thu thập mẫu nước và đất phục vụ phân tích đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm; phân tích, đánh giá ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước tại các làng nghề, cụm công nghiệp; phân loại mức độ ô nhiễm làng nghề, cụm công nghiệp và xây dựng bản đồ hiện trạng môi trường đất, nước, không khí tại làng nghề, cụm công nghiệp; đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều làng nghề truyền thống, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do chậm đối mới về công nghệ và không đầu tư xây dựng các khu xử lý môi trường đã gây lên tình trạng ô nhiễm khủng khiếp ở các làng nghề giấy Phú Lâm, Phong Khê, làng nghề tái chế rác thải Văn Môn, làng chế biến thép Đa Hội… Do vậy, tình trạng ô nhiễm tại sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê từ các làng nghề đã gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Dù nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định từ lâu, song việc “giải cứu” dòng sông ô nhiễm vẫn bất khả thi.

Theo TS Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Theo Luật Bảo vệ môi trường thì vấn đề bảo vệ môi trường là do Bộ và ngành TN&MT ở các địa phương thực hiện quản lý, nhưng đi vào cụ thể ở các làng nghề thì lại do Sở NN&PTNT phụ trách. Trong khi đó, cụm công nghiệp và làng nghề lại do Sở Công thương quản lý… Nếu cứ giữ nguyên kiểu điều khiển này thì rất khó để giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay”.

Đồng thời, sự chồng chéo này cũng dẫn đến việc xử lý văn bản pháp luật về môi trường chưa được thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương; việc áp dụng các hình thức xử lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa thực sự nghiêm minh, đặc biệt khi xử lý đối với các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm môi trường công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung cho làng nghề còn nhiều vấn đề tồn tại. Các văn bản pháp luật mới dừng lại ở mức độ quy trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh mà chưa có văn bản quy định trách nhiệm cho UBND từng cấp, thậm chí quy định trách nhiệm đến cấp làng, xã, thôn, bản.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh và các Sở: TNMT, NN&PTNT, UBND thành phố Bắc Ninh đã thành lập các đoàn công tác thực hiện việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Phong Khê.

Qua kiểm tra 7 doanh nghiệp sản xuất trên đường 286, thì có 6 đơn vị xả nước thải không đạt chuẩn ra kênh tiêu Yên Phong, rồi chảy ra sông Ngũ Huyện Khê.

Được biết, phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) hiện có hai cụm công nghiệp làng nghề gồm: Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Cụm công nghiệp Phong Khê 2 với diện tích hơn 69 ha, trong đó có khoảng 290 doanh nghiệp sản xuất giấy.

Ngày 29/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 6 quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Theo các quyết định xử phạt hành chính, 6 đơn vị là hộ kinh doanh, công ty sản xuất giấy không có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường.

Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, nguyên nhân gây ô nhiễm tại các làng nghề là do hoạt động sản xuất tại nhiều làng nghề còn ở quy mô nhỏ, manh mún, gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Bên cạnh đó, ý thức của chính người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề… Phần lớn chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, không lường hết tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường.

Bà Chi đề xuất, cần xác định rõ vai trò của hệ sinh thái nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Không nên coi nông thôn đơn thuần là nơi sinh sống làm lao động của người nông dân, tạo ra lương thực thực phẩm cho xã hội.

Thùy Linh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Một góc sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/bac-ninh-chi-39-ti-dong-cho-hoat-dong-dieu-tra-danh-gia-phan-loai-o-nhiem-moi-truong-55049.html