Bạc Liêu: Cần tháo gỡ khó khăn cho KNN công nghệ cao

(Phapluatmoitruong.vn)Được kỳ vọng mang lại hiệu quả rất cao khi đi vào hoạt động nhưng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu hiện đang gặp nhiều khó khăn…

Hiện thực hóa giấc mơ “thủ phủ tôm”

KNN công nghệ cao Bạc Liêu được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ-TTg, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích 103 ha, thuộc xã Hiệp Thành, Tp. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (KNN công nghệ cao) là giúp UBND tỉnh Bạc Liêu cung ứng dịch vụ công, quản lý các hoạt động trong KNN công nghệ cao như: Tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, các ngành công nghiệp phụ trợ.

Các mục tiêu và định hướng lớn của KNN công nghệ cao là làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước. Ban Quản lý có vai trò là nòng cốt, động lực để thực hiện đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”.

Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý KNN công nghệ cao (BQL KNN CNC) Bạc Liêu, cho biết: “Hiện khu này đã hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 với kinh phí do UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư là 175 tỷ đồng, bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước, hệ thống điện, cổng, hàng rào bao quanh… Hiện đang tiếp tục thi công xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2, kinh phí do Bộ NN-PTNT đầu tư với hơn 194 tỷ đồng”.

 

Khu xử lý nước thải của KNN công nghệ cao Bạc Liêu.

Doanh nghiệp gặp khó

Theo ông Phạm Hoàng Minh, BQL đã tiến hành cho 9 doanh nghiệp thuê đất, đã hoàn thành việc giao đất và thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục. Hiện các DN đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xin cấp phép xây dựng. Khi có GCNQSDĐ cho doanh nghiệp đợt 1, Ban Quản lý sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tuyển chọn doanh nghiệp đợt 2.

Theo tiến độ thực hiện dự án, các DN sẽ thi công xây dựng trong 6 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa có GCNQSDĐ nên không thực hiện được việc đầu tư xây dựng để trình diễn các quy trình công nghệ theo thuyết minh dự án được duyệt. Do đó, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư thực hiện dự án.

Không chỉ bị vướng mắc trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà việc thu hút đầu tư hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này, theo Giám đốc BQL KNN CNC, thì: “Luật chưa có quy định nào rõ ràng cho cụm từ KNN CNC vì vậy các quy định của Luật hoặc văn bản dưới Luật chỉ được thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý KNN công nghệ cao Bạc Liêu (bìa phải) cho rằng DN đang gặp khó trong việc đầu tư vì chưa được cấp GCNQSDĐ.

Mặt khác, theo điểm g khoản 3 Điều 7 của Quy chế ban hành kèm Quyết định 694/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 thì Ban Quản lý chỉ có chức năng “Tham gia thẩm định hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, nếu theo khoản 1, Điều 39 Luật Đầu tư năm 2020 thẩm quyền về cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định, trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Ban Quản lý không thể giải quyết. Do vậy, cần có một cơ chế thông thoáng hơn để BQL và nhà đầu tư có thể nhanh chóng bắt tay triển khai công việc một cách thuận lợi.

Theo điểm b khoản 2 mục V Điều 1 của Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất về mô hình và cơ chế quản lý đối với các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhưng hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có hướng dẫn về mô hình hoạt động và cơ chế quản lý cho các BQL KNN CNC. Do đó, cho đến nay, dự án này vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

KNN công nghệ cao Bạc Liêu được UBND tỉnh giao diện tích hơn 100 ha đất, gồm 18 Tiểu khu, diện tích cho các doanh nghiệp thuê hơn 47 ha. Sau đó, UBND tỉnh thành lập Hội đồng tuyển chọn (thẩm định) dự án, đã chọn được 09 doanh nghiệp vào thực hiện dự án đầu tư theo Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 29/9/2020 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc phê duyệt danh mục dự án tham gia vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (đợt 1).

Huy Diệu – Bình An

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Nhà điều hành của KNN công nghệ cao Bạc Liêu đang đẩy nhanh tiến độ.