Ngày 28/9/2021, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản số 5051/UBND-KGVX về việc tăng cường ứng dụng kết quả các đề tài, dự án khoa học & công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Theo nội dung văn bản, trong thời gian qua, hoạt động ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có những đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao trình độ tiếp thu tiến bộ kỹ thuật của người dân.
Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào ứng dụng và mở rộng trong sản xuất. Một số kỹ thuật mới được đưa vào ứng dụng có hiệu quả đã tạo ra hướng đi, triển vọng mới cho sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá hiệu quả các đề tài, dự án KH&CN giai đoạn 2018-2020 của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vẫn còn thiếu những định hướng hoạt động có tầm nhìn dài hạn, mang tính trọng tâm, trọng điểm của tỉnh cũng như trong từng ngành, lĩnh vực; việc triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả các đề tài, dự án KH&CN vào sản xuất và đời sống chưa nhiều; các mô hình ứng dụng công nghệ cao, hàm lượng công nghệ cao còn ở mức độ hạn chế, chưa mang tính hệ thống….
Nhằm phát huy ưu điểm đã đạt được, khắc phục những tổn tại, hạn chế nêu trên, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng, nhân rộng kết quả các đề tài, dự án vào sản xuất và đời sống, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh
Tiếp nhận danh mục dự án KH&CN nhân rộng được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và các thông tin kết quả nghiên cứu, sản phẩm đề tài, dự án KH&CN để chỉ đạo tổ chức triển khai trong từng lĩnh vực chuyên ngành.
Bám sát những định hướng lớn của tỉnh, của các huyện, thành phố giai đoạn 2020-2025 và nhu cầu của doanh nghiệp, người dân để chỉ đạo cơ quan, đơn vị đề xuất, xây dựng kế hoạch, lựa chọn các đề tài, dự án KH&CN giúp hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh đến 2025 của tỉnh và các huyện, thành phố.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hàng năm thực hiện các dự án KH&CN nhân rộng thuộc lĩnh vực chuyên môn.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương và cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về kết quả các đề tài, dự án KH&CN, đặc biệt là các đề tài, dự án đã được khẳng định hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN; đẩy mạnh việc đặt hàng, tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án KH&CN; thực hiện tốt công tác đánh giá, nghiệm thu và bàn giao, sử dụng kết quả các đề tài, dự án KH&CN sau nghiệm thu. Cơ cấu lại nội dung, tăng chi cho hoạt động nghiên cứu – ứng dụng, giảm chi hành chính, áp dụng cơ chế khoán nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.
Cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN, tập trung nguồn lực triển khai các định hướng nghiên cứu- ứng dụng KH&CN ưu tiên của tỉnh, chú trọng chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới trong sản xuất và đời sống.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp nhân rộng kết quả đề tài, dự án KH&CN trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 10/9/2019 của UBND tỉnh; đồng thời, rà soát các nội dung để tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND theo hướng đẩy mạnh phân cấp, mở rộng cơ chế khuyến khích, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện.
Đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng Hội thi tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học nhằm khơi dậy phong trào, phát huy khả năng nghiên cứu khoa học trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Qua đó góp phần lựa chọn được những ý tưởng sáng tạo phát triển thành các đề tài, dự án KH&CN các cấp triển khai trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu- ứng dụng – nhân rộng.
3. UBND các huyện, thành phố
Tiếp nhận danh mục dự án KH&CN nhân rộng được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và các thông tin kết quả nghiên cứu, sản phẩm đề tài, dự án KH&CN để chỉ đạo tổ chức triển khai trên địa bàn.
Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền kết quả đề tài, dự án KH&CN cho các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu nhân rộng trên địa bàn. Hàng năm, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện các đề tài, dự án KH&CN nhân rộng tại địa phương.
4. Các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án
Chủ trì trong trường hợp được UBND tỉnh giao thực hiện việc ứng dụng, nhân rộng hoặc bàn giao cho cơ quan, đơn vị được UBND tỉnh giao trách nhiệm tiếp nhận để tổ chức ứng dụng, nhân rộng kết quả vào thực tiễn sau khi đề tài, dự án KH&CN đã được nghiệm thu.
Tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; liên kết nghiên cứu, ứng dụng với trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực.
5. Các tổ chức, cá nhân khác
Nghiên cứu, đề xuất, đặt hàng triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN. Tiếp nhận thông tin, sản phẩm từ kết quả đề tài, dự án KH&CN để thực hiện việc nhân rộng.
Quan tâm đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN, bảo đảm kinh phí đối ứng thực hiện các đề tài, dự án, đồng thời làm tốt việc xã hội hóa hoạt động KH&CN nhằm huy động mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN.
Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung nêu trên; tổng hợp tình hình, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.
Diệp Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)