Theo báo cáo mới của một nhóm các nhà khoa học khí hậu, Bắc Cực đang ấm lên nhanh gấp bốn lần so với mức trung bình toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết Trái đất ấm lên nhanh hơn ở cực bắc, do hiện tượng khuếch đại Bắc Cực. Cụ thể, ở đây năng lượng mặt trời sưởi ấm mạnh hơn vì nước biển sẫm màu hấp thụ nhiệt, và băng ngày càng tan nhanh khiến cho diện tích lớp băng phản chiếu ánh sáng giảm đi và diện tích mặt biển hấp thụ nhiệt tăng lên; cùng với luồng nhiệt nhiệt đới được đưa đến Bắc Cực bởi các đám mây dày đặc kéo hơi nước về phía bắc.
Bắc Cực là “điểm nóng” khi nói đến biến đổi khí hậu, và “thật không thể tin được rằng chúng ta đã đánh giá thấp mức độ nóng lên ở Bắc Cực theo hệ số hai”, theo Peter Jacob, nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Goddard, NASA, người đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo phát hiện mới tại cuộc họp ngày 13/12 của Hiệp hội Địa Vật lý Hoa Kỳ.
Jacobs và các đồng tác giả nhận thấy mức ấm lên nhanh hơn ở Bắc Cực khi chuẩn bị đưa ra mức nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2020. Chuyên gia đánh giá nội bộ của NASA không tin tưởng vào kết quả mới, nhưng nhóm Jacob đã cho thấy kết quả này nhất quán với dữ liệu của cả NASA (gấp 3,9 lần) và Văn phòng Khí tượng Vương Quốc Anh (gấp 4,1 lần).
Các nhà khoa học cũng lưu ý, tốc độ ấm lên ở Bắc Cực so với phần còn lại của thế giới không bao giờ là một tỷ lệ cố định. Jacobs cho biết kết quả mới này cũng là một câu chuyện cảnh giác đối với ngành khoa học khí hậu. “Khi một thứ gì đó thay đổi nhanh như khí hậu, các con số có thể bị cũ và lỗi thời rất nhanh. Nếu không nhận ra điều đó, chúng ta sẽ thông tin sai lệch hoàn toàn cho mọi người”.
Hải Thanh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoạ. ITN