Bà Rịa – Vũng Tàu: Ráo riết xử lý tình trạng phân lô bán nền trái luật!

Sau khi Môi trường & Đô thị điện tử có loạt bài về tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật tại thị xã Phú Mỹ, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc.

Sai phạm trên đất quy hoạch và những hệ lụy

Trong loạt bài “Bà Rịa – Vũng Tàu: Chưa kiểm soát được tình trạng phân lô bán nền!”, Môi trường & Đô thị điện tử đã đề cập đến vấn đề phân lô bán nền tự phát tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Không chỉ tự ý dựng lên các dự án “ma”, không phép, không cơ sở pháp lý… giới đầu cơ còn ngang nhiên biến đất nông thôn thành đường, đặt trụ điện, cắm mốc, dựng pano… và tiến hành mua bán, chào mời rầm rộ.

Sai phạm nghiêm trọng nhất, trong các “dự án” được rao bán không chỉ là đất nông nghiệp, đất trồng lúa, mà còn có cả các khu đất đã được quy hoạch để làm đường cao tốc, nhưng các đầu nậu vẫn bất chấp dựng lên cơ sở hạ tầng tạm bợ để rao bán và trục lợi, gây bức xúc trong dư luận.

Có thể thấy, việc làm này đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ngoài những rủi ro liên quan tới pháp lý, hợp đồng không minh bạch, sau này dễ dẫn tới xung đột, kiện tụng, gây mất an ninh trật tự… thì việc phá vỡ quy hoạch về đô thị cũng là vấn đề mà địa phương phải cần rất nhiều thời gian và nhân sự để giải quyết!

Chính quyền vào cuộc

Theo thống kê, hiện toàn thị xã có 113 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, xây dựng công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Trong đó, nhiều nhất là xã Tóc Tiên với 29 trường hợp; phường Mỹ Xuân 13 trường hợp; phường Tân Hòa 11 trường hợp; phường Tân Phước 11 trường hợp; xã Châu Pha 10 trường hợp….

Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho PV biết, bước đầu, chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế 58 trường hợp vi phạm, trong đó có một số “dự án” của Công ty CP địa ốc Alibaba đang rao bán thời gian qua. Các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng quy định.

Trong 58 trường hợp bị cưỡng chế, theo ông Nguyễn Văn Thắm, đây là những công trình được giao đất nhưng sử dụng không đúng mục đích, nên yêu cầu phải tự tháo dỡ công trình vi phạm và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.

Theo quan sát của PV, tại các “điểm nóng” đang được xử lý, chính quyền địa phương cũng đã đặt các bảng cảnh báo dự án “ma”, nhằm giúp người dân nắm bắt thông tin một cách thuận tiện, dễ dàng hơn.

Người dân cần tỉnh táo khi mua dự án

Câu chuyện tại Phú Mỹ cũng cho thấy thực trạng vẫn còn một số người dân chưa đủ tỉnh táo trước các cơn sốt ảo, dễ bị sa vào bẫy. Chính điều này đã vô tình tiếp tay cho giới đầu cơ bất động sản “ma” lừa đảo, thu lợi bất chính hoạt động và ngày càng rầm rộ.

Thực tế, nếu không tìm hiểu và nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, người mua sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và có nguy cơ mất trắng. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị, trong bất cứ trường hợp nào, dù để an cư hay đầu tư sinh lợi, người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương để có được những thông tin một cách đầy đủ, chính xác nhất. Đó chính là cách bảo vệ mình, bảo vệ tài sản của mình một cách thiết thực nhất, không để cho giới đầu nậu mua bán và thu lợi bất chính có cơ hội tồn tại như thời gian qua.

Thuận Hòa

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Xem thêm:

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chưa kiểm soát được tình trạng phân lô bán nền!