Theo dự báo, lượng Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tăng thêm 350 tấn/ngày chỉ sau một năm nữa và đến năm 2025, khối lượng phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 1.590 tấn/ngày.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trước đây, trên địa bàn tỉnh phát sinh 760 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)/ngày. Nhưng từ năm 2018 đến nay, khối lượng CTRSH phát sinh tại 7 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền của tỉnh đã tăng lên 900-1.000 tấn/ngày. Riêng huyện Côn Đảo khối lượng CTRSH phát sinh tăng từ 15 tấn/ngày lên 22,5 tấn/ngày (tăng 37,5%).
Ước tính của Công ty VESCO cho biết, mỗi ngày, TP. Vũng Tàu phát sinh khoảng 400 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, những ngày Lễ, Tết hoặc những ngày diễn ra sự kiện, lượng rác sinh hoạt tăng lên đến 600-650 tấn/ngày.
“Đó là chưa kể, những năm gần đây, thành phố còn phải chịu áp lực lớn kéo dài 5-6 tháng liên tục từ rác thải đại dương ồ ạt tấn công bãi biển. Do đó, ngoài lượng rác phát sinh hàng ngày, thành phố còn phải xử lý thêm 20-40 tấn rác đại dương/ngày. Áp lực về rác sinh hoạt vì thế ngày càng lớn”, ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng Giám đốc VESCO cho hay.
Tương tự, bà Lê Mộng Thúy, Trưởng Ban Quản lý Công trình công cộng huyện Côn Đảo cho biết, những ngày cao điểm du lịch lượng rác tăng lên khoảng 27-30 tấn/ngày. Toàn bộ lượng rác này được đưa về Bãi Nhát – bãi rác lộ thiên duy nhất trên địa bàn huyện để tập trung nhưng chưa có phương án xử lý. Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 nhưng đang phải chịu tải hơn 70.000 tấn rác suốt 30 năm qua.
“Tháng 2/2022, lò đốt rác với công nghệ đốt đã khởi công với công suất khoảng 200 tấn/ngày. Dự kiến, khoảng 11 tháng sẽ xử lý hết lượng rác tại Bãi Nhát. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Bãi rác đã đầy nhưng lò đốt rác chưa hoạt động khiến công tác xử lý rác của huyện gặp nhiều khó khăn, áp lực”, bà Thúy thông tin.
Hiện nay, tất cả lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trừ huyện Côn Đảo) đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina (khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ). Tuy nhiên, do sử dụng công nghệ chôn lấp nên khu xử lý chất thải tập trung này đã và đang phát sinh nhiều vấn đề về môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phương pháp chôn lấp tạm thời hiện nay là đào một hố sâu khoảng 5-6m, lót bạt, sau đó phun chế phẩm vi sinh chống muỗi, chống ô nhiễm rồi lấp đất lên trên. Quy trình lạc hậu như vậy khiến CTRSH được xử lý rất chậm và nhiều nguy cơ tác động ngược trở lại môi trường, đời sống.
“Lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 350 tấn/ngày chỉ sau một năm nữa. Và dự báo đến năm 2025, khối lượng trên phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 1.590 tấn/ngày. Do đó, bài toán về xử lý rác sinh hoạt tiếp tục căng thẳng. Và sẽ càng căng thẳng hơn vào những dịp lễ, Tết sắp tới”, theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Yến Thanh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng tăng mạnh. (Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/ba-ria-vung-tau-nan-giai-bai-toan-ve-xu-ly-rac-sinh-hoat-82976.html