Ba Lan là nuớc tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu vùng cực (Bắc Cực, Nam Cực), một lĩnh vực quan trọng cung cấp cái nhìn sâu sắc về môi trường toàn cầu hiện tại.
Chỉ có 20 quốc gia có các trạm nghiên cứu khoa học quanh năm ở Nam Cực, nơi cho phép họ tiếp cận “phòng thí nghiệm của tự nhiên” lớn nhất này với tiềm năng cho các chương trình nghiên cứu đầy tham vọng và hợp tác quốc tế. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt phổ biến ở Nam Cực, các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và nhu cầu hậu cần khổng lồ liên quan đến việc duy trì các trạm nghiên cứu và vận hành các chương trình khoa học khiến khu vực này cũng là nơi thí nghiệm các công nghệ mới. Nam Cực giờ đây cũng trở thành một trong những khu vực quan trọng nhất để nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các nhà khoa học Ba Lan là một trong những người tiên phong trong nghiên cứu Nam Cực, tiếp bước người đồng hương của họ là Henryk Arctowski, một nhà du hành, nhà địa vật lý học và một nhà địa lý học. Sau khi du học ở Bỉ, chỉ mới 26 tuổi, Arctowski đã đồng tổ chức một chuyến thám hiểm Nam Cực vào năm 1897, từ đó bắt đầu cuộc phiêu lưu nghiên cứu vùng cực kéo dài nhiều năm của mình. Đoàn thám hiểm đã đi đến địa điểm dự kiến của họ và sẽ là chuyến đi đầu tiên vào mùa đông trên băng ở Nam Cực.
Nghiên cứu của Arctowski đã hé lộ ra nhiều giả thuyết khoa học mới, bao gồm giả thuyết về Antarctandes, ngày nay đã được khoa học hiện đại xác nhận, tức là một hệ thống núi liên kết các đặc điểm của cấu trúc địa chất của dãy Andes Nam Mỹ với những ngọn núi của Graham’s Land trên Bán đảo Nam Cực. Lý thuyết về sự chuyển động của các xoáy thuận cũng được phát triển, cũng như lý thuyết liên quan đến nguyên nhân tạo ra thềm Nam Cực sâu hơn so với các thềm các lục địa khác. Trong những năm sau đó, Arctowski tham gia vào dự án nghiên cứu về Spitsbergen và giữ một số vị trí quan trọng trong các bảo tàng lịch sử tự nhiên tại các trường đại học ở Bỉ, Hoa Kỳ và Ba Lan. Ông đã đặt tên của mình cho một bán đảo và một nunatak ở Nam Cực, một ngọn núi, một sông băng trên Spitsbergen và cho trạm khoa học Nam Cực của Ba Lan trên quần đảo Nam Shetland.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học Ba Lan đã tiến hành nghiên cứu ở các vùng cực bằng cách sử dụng các trạm hoạt động quanh năm và theo mùa. Các trạm hoạt động quanh năm có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nhà khoa học và Ba Lan có một trạm ở nam và bắc bán cầu: Trạm Nam Cực Ba Lan Henryk Arctowski và Trạm Bắc Cực Ba Lan Stanisław Siedlecki, Hornsund, ở nam Spitsbergen.
Được thành lập vào năm 1977, Trạm Nam Cực Ba Lan Henryk Arctowski là một đơn vị khoa học và nghiên cứu được quản lý bởi Viện Hóa sinh và Lý sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Trạm nằm cách Ba Lan hơn 14.000 km trên Đảo King George, tham gia vào nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực hải dương học, địa chất, băng hà, địa mạo, khí hậu, vi sinh vật học, thực vật học, sinh thái học, điểu học, di truyền học, sinh vật biển và hóa học, bản đồ học. Ngoài ra các nhà khoa học còn nghiên cứu về sự biến đổi của các hệ sinh thái vùng cực, về sự tiến hóa, cấu trúc và động lực của đa dạng sinh học, cũng như tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực Bán đảo Nam Cực đối với hoạt động của biển và các hệ sinh thái trên cạn. Các tài liệu và dữ liệu thu thập được trong hơn 40 năm nghiên cứu liên tục đã tạo nên một đóng góp thiết thực cho nền khoa học thế giới.
Từ quan điểm ngày nay, một số nghiên cứu đặc biệt quan trọng bao gồm nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, giám sát về kích thước và tình trạng của các quần thể chim biển và chim chân kim, lần lượt cung cấp cái nhìn quan trọng về tình trạng của toàn bộ hệ sinh thái và giám sát nồng độ các-bon trong lượng mưa ở tất cả các dạng của nó (chẳng hạn như mưa hoặc tuyết) để xác định dòng chảy tiềm ẩn của các chất ô nhiễm từ cả quá trình vận chuyển khí quyển ở xa và cục bộ.
Theo Nghị định vè Bảo vệ Môi trường của Hiệp ước Nam Cực, toàn bộ Nam Cực là một khu bảo tồn thiên nhiên dành riêng cho hòa bình và khoa học. Bất chấp những lo ngại về môi trường độc đáo của nó, các quốc gia trên thế giới đang tranh giành sự ảnh hưởng và khuyến khích các công ty của họ khai thác khai thác dầu và khí đốt. Những quan điểm đáng báo động về sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của Trái đất đã được công bố trong các báo cáo đầu tiên của Câu lạc bộ Rome vào năm 1972.
Một trong những trạm địa cực quan trọng nhất của Ba Lan, Trạm địa cực Ba Lan Stanisław Siedlecki, Hornsund, ở Bắc Cực, bắt đầu hoạt động theo mùa vào năm 1957 và mở rộng hoạt động quanh năm vào năm 1978 được quản lý bởi Viện Vật lý trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Các nghiên cứu được thực hiện ở đó nhằm mục đích hiểu rõ hơn về hệ thống tự nhiên và những biến đổi khí hậu tại Bắc Cực.
Có thể kết luận một cách tự hào rằng nghiên cứu của các nhà khoa học Ba Lan được thực hiện tại các trạm vùng cực đã được cộng đồng nghiên cứu quốc tế biết đến và chúng đóng góp đáng kể vào rất nhiều lĩnh vực quan trọng đối với tương lai của hành tinh chúng ta.
Giáo sư Michał KLEIBER
(Giáo sư Michał KLEIBER – Tổng biên tập tạp chí “Wszystko Co Najważniejsze”. Giáo sư và giảng viên tại Học viện Khoa học Ba Lan. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan 2007-20015, Bộ trưởng Khoa học và Tin học hóa 2001-2005, 2006-2010, cố vấn xã hội cho Tổng thống Lech Kaczyński. Phó Chủ tịch Ủy ban UNESCO của Ba Lan.)