Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Theo thống kê, lượng rác nhựa thải ra ngoài đại dương đã đến mức báo động 100 triệu tấn, trong đó có từ 80 đến 90% nguồn phát thải là ở đất liền.
Vấn đề này thực sự còn nghiêm trọng hơn ở ASEAN, khi lượng nhập khẩu rác nhựa từ các nước phát triển vào khu vực tăng mạnh, nhất là sau khi nước láng giềng Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chất thải vào đầu năm 2018. Trong đó bốn quốc gia ASEAN có lượng nhập khẩu nhựa nhiều nhất là Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Chỉ với khoảng thời gian ngắn ngủi từ tháng 1-6/2018, Malaysia nhập tới 830.000 tấn rác thải nhựa.
Cùng lúc, các nước khác trong khu vực cũng chứng kiến những con số gia tăng đột biến. Tại Thái Lan, nhập khẩu chất thải nhựa đã tăng gần gấp ba lần từ quý cuối năm 2017 đến quý II/2018 lên khoảng 150.000 tấn.
Tại Philippines, con số này đã tăng gấp 4 lần, lên hơn 1.000 tấn so với cùng kỳ, sau đó tăng vọt lên gần 5.500 tấn trong quý sau đó.
Việt Nam đã nhập khẩu 9,2 triệu tấn phế liệu trong năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam.
Vào cuối tháng 10/2020, có khoảng 3.300 container chưa có người nhận tại các cảng Việt Nam – một mức giảm đáng kể so với hàng chục nghìn container như vậy trong năm 2018.
Có thể nói, động thái cấm nhập khẩu rác thải nhựa của Trung Quốc đã thay đổi kịch bản cuộc đua. Và ASEAN trở thành đích ngắm mới của những nhà xuất khẩu rác thải.
Nỗ lực rút khỏi “đường đua”
Mặc dù một số rác thải có thể được tái chế để giúp thúc đẩy ngành sản xuất của nước đang phát triển, nhưng phần lớn số lượng rác nhập khẩu hiện nay là bất hợp pháp. Nên hành trình của số rác này cuối cùng sẽ là đốt cháy hoặc tẩy rửa bởi các hóa chất độc hại và hậu quả tất nhiên là sẽ nguy hại tới môi trường cũng như sức khỏe con người.
Tại Thái Lan, một nhóm gồm khoảng 50 nhà hoạt động Thái Lan, đã tham gia cuộc biểu tình trước cuộc họp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với tấm biển “Không có chỗ cho rác thải”, các nhà hoạt động kêu gọi các nước ASEAN cấm nhập khẩu chất thải từ bất cứ nơi nào trên thế giới vào khu vực.
Với Malaysia, một số lệnh cấm tạm thời hoặc một phần đối với nhập khẩu chất thải đã được chính quyền thực hiện vào giữa năm 2018. Malaysia và Philippines đã bắt đầu vận chuyển các thùng chứa rác được dán nhãn sai hoặc nhập lậu quay trở lại các quốc gia đã mang rác thải đến cho họ.
Với những tác hại đến môi trường và sức khỏe con người đã được nhìn thấy rõ từ rác thải nhựa, vấn đề xuất nhập khẩu rác thải đã không chỉ còn là chuyện riêng của bất cứ quốc gia nào, dù là nước nhập khẩu như Malaysia, Philippines, hay nước xuất khẩu chiếm rác thải tỉ trọng lớn nhất thế giới là Mỹ và Canada (hai nước này chiếm một khối lượng lớn rác thải xuất khẩu sang các nước đang phát triển).
Đối với ASEAN, cộng đồng này rất cần một tuyên bố chung khẩn cấp để chấm dứt nhập khẩu chất thải nguy hại từ các quốc gia khác. Mục tiêu mà các nước ASEAN đang hướng tới là tìm cách rút khỏi đường đua nhập khẩu rác, như Trung Quốc đã làm. Và Việt Nam cũng đã đến lúc không thể đứng ngoài cuộc.
Quy định mới của EU về hạn chế xuất khẩu rác thải nhựa Kể từ ngày 1/1/2021, các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm chấm dứt việc xuất khẩu rác thải nhựa không phân loại tới các nước ngoài châu Âu không hội đủ khả năng và tiêu chuẩn cần thiết để xử lý loại rác thải này một cách bền vững, bắt đầu có hiệu lực. Việc xuất khẩu rác thải sạch và không nguy hiểm để tái tạo của EU sang các nước không phải thành viên OECD chỉ được phép thực hiện với các điều kiện đặc biệt, gồm: 1) Quốc gia nhập khẩu cần phải chỉ rõ cho Ủy ban châu Âu thấy các quy định được thực thi về việc nhập khẩu này; 2) Xuất khẩu từ EU sẽ cần phải tuân thủ các điều kiện mà nước nhập khẩu đặt ra. Đối với những nước không cung cấp thông tin về quy định pháp lý của họ thì EU sẽ ngừng cấp phép cho hoạt động xuất khẩu này. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu rác thải nhựa nguy hiểm và khó tái chế từ bên ngoài vào EU cũng phải được kiểm soát gắt gao thông qua cơ chế cảnh báo về môi trường của EU. Việc EU đề ra những quy định mới này là nhằm thực thi Công ước Basel về kiểm soát và loại bỏ sự vận chuyển rác thải nguy hiểm xuyên biên giới được ký kết vào tháng 5/2019. Trong năm 2019, EU đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn rác thải nhựa, chủ yếu sang Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Á. |
Hoài Thu – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: ASEAN và cuộc chiến chống rác thải nhựa nhập khẩu. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/asean-va-cuoc-chien-chong-rac-thai-nhua-nhap-khau-52694.html