Áp dụng Nghị định 100: Có nơi còn hời hợt!

Sau hơn 2 tuần Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, tình hình an toàn giao thông trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những tỉnh thực hiện tốt vẫn còn có tỉnh kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông còn hời hợt, điều này cần được nhanh chóng khắc phục.

Người dân từng bước thay đổi văn hóa tham gia giao thông

Từ ngày 01/01/2020, lực lượng CSGT trên cả nước đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm theo đúng Nghị định 100 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Được biết, Nghị định 100 có rất nhiều điểm mới mà mấu chốt là tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, đặc biệt những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ: phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng; Đối với người điều khiển xe mô tô: phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; Đối với người điều khiển xe ô tô: phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng.

Rõ ràng, việc ban hành và đưa ra những chế tài mạnh của Nghị định 100 cũng như Luật Phòng, chống tác hại bia rượu đang dần làm thay đổi nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Với việc tăng mạnh mức phạt đối với các lỗi về nồng độ cồn chắc chắn đủ sức răn đe, qua đó hạn chế được tối đa các vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra.

Sau hơn 2 tuần Nghị định có hiệu lực, tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự trên cả nước đã có nhiều khởi sắc khi số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương giảm thiểu đáng kể. Người dân cũng đã bắt đầu thay đổi thói quen khi tham gia giao thông cũng như nói không với bia, rượu khi điều khiển phương tiện.

Lực lượng chức năng cũng cần phải thay đổi cách kiểm tra, xử lý

Kể từ khi áp dụng Nghị định mới, nhiều địa phương trên cả nước đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý với nhiều mức xử phạt kịch khung đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

Ở Hà Nội, với kết quả kiểm tra nồng độ cồn 0,472 miligam/lít khí thở, tài xế điều khiển xe ô tô đã phải chấp nhận mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng. Tại tỉnh Bình Phước, 2 trường hợp vi phạm nồng độ cồn cũng bị xử phạt lên đến 35 triệu đồng cho mỗi trường hợp vi phạm. Hay ở tỉnh Quảng Trị, Đội CSGT số 1 đã lập biên bản xử phạt đối với tài xế Trần Kim Lộc khi vi phạm nồng độ cồn 0,564 miligam/lít khí thở: 35 triệu đồng, GPLX đã hết hạn 6 tháng: 5 triệu đồng, doanh nghiệp giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông: 10 triệu đồng. Tổng mức phạt 50 triệu đồng, đây cũng là mức phạt cao nhất sau khi Nghị định 100 có hiệu lực cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó vẫn còn đôi chỗ người tham gia giao thông chưa thực sự hài lòng. Ngoài những nỗi lo về mức phạt cao khiến người vi phạm có thể chây ỳ, trốn tránh, thậm chí bỏ phương tiện vi phạm… thì việc lực lượng chức năng xử lý chưa đến nơi đến chốn, hoặc xử lý người này mà bỏ qua lỗi vi phạm của người khác luôn là đề tài mà người dân bàn tán, nhất là trong quá trình thực thi nhiệm vụ, một số cán bộ, chiến sĩ chưa thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế của ngành.

Việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng giúp ổn định an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc kiểm tra có phần hời hợt và thiếu trách nhiệm của một số cán bô, chiến sĩ của các địa phương dễ tạo cho người điều khiển phương tiện tâm lý “nhờn luật” và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố  xem xét và chấn chỉnh lại cách làm việc của cán bộ, chiến sĩ để đảm bảo cho các tuyến đường luôn an toàn, không chỉ là vào Tết Nguyên đán mà còn về lâu dài khi mà nhiều cung đường thời gian qua đã có quá nhiều tai nạn giao thông xảy ra.

Nhóm PV

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Nghị định 100 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020.