Ao hồ, sông ngòi oằn mình ‘tiếp nhận’ hàng triệu m3 nước thải sinh hoạt chưa xử lý

Theo báo cáo, hiện tại các tỉnh, thành phố mới chỉ xử lý được 15-30% lượng nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải ra môi trường.

“Nước sinh hoạt của người dân hiện nay được lấy từ nước mạch nước ngầm sau khi qua xử lý. Hiện nay nguồn nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng”- ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết tại tọa đàm “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị” do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải đang gặp nhiều khó khăn bất cập, không theo kịp quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện tại các tỉnh, thành phố mới chỉ xử lý được 15-30% lượng nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải ra môi trường. Số lượng nước còn lại đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung rồi chảy ra ao, hồ, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước. Những dòng sông, ao hồ, sông ngòi hằng ngày đang oằn mình tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải đô thị chưa qua xử lý.

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nước và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam cũng cho rằng, có thể thấy bức tranh toàn cảnh về xử lý nước thải ở các đô thị trên cả nước, khoảng 80-90% đang bị xả thẳng ra môi trường cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp. Có thể thấy các chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực quản lý… đang có vấn đề. Ngoài ra, nước thải được xử lý ở các nước thu nhập trung bình năng lực xử lý đang rất thấp so với các nước phát triển.

Theo ông Nguyễn Thành Lam, Chính phủ và Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đã nỗ lực đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt, hiện có 71 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Nước thải khu công nghiệp được các chủ đầu tư xử lý. Đầu tư cho hệ thống thu gom nước thải khá lớn, giá xử lý nước thải khá thấp, chỉ 10% nên chưa thu hút khối đầu tư tư nhân và nước ngoài.

Ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cũng nhận định, quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng nên việc thu gom nước thải và xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa nhanh, đòi hỏi vấn đề thu gom xử lý mang tính lâu dài. Tại các đô thị ở Việt Nam đa số là hệ thống xử lý nước thải chung mà hiện nay theo quy định, cần hệ thống riêng, tách 2 hệ thống song hành.

Bên cạnh đó, việc hình thành các khu công nghiệp diễn ra nhanh nên mật độ xây dựng tăng, mà đường ống được làm tư lâu nên nhỏ, chưa phù hợp với sự phát triển đô thị, dẫn đến nhu cầu ko đủ, do vậy việc nâng cấp mở rộng xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do không có kinh phí, chỉ có từ nguồn ngân sách nhà nước, ODA, khó khăn trong quá trình cấp vốn. Hơn nữa, việc quản lý cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các cơ quan quản lý cần phải có sự đồng bộ. Hiện nay, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chuyển đổi thành cống nước thải nhưng cũng làm giảm năng lực thoát nước. Sự phát triển của các đô thị và sự phát triển của hệ thống thoát nước có khoảng cách lớn.

Xử lý nước thải sinh hoạt: Cần nhiều giải pháp

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, hiện nay, về cơ chế chính sách cho vấn đề này tương đối đầy đủ, có các Luật như Luật quy hoạch, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ Môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện đang diễn ra chậm ở các địa phương. Về các giải pháp, cần nhận thức được vấn đề nước thải sinh hoạt là vấn đề hết sức lớn, tồn tại khá lâu. Việt Nam có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đáp ứng còn chưa đủ nên chúng ta cần lộ có trình cụ thể. Nguồn lực hạn chế thì giải pháp cần có sự kết hợp giữa ngắn hạn và dài hạn, về cơ chế chính sách và đầu tư.

“Ví dụ, tất cả hoạt động có thể giảm phát thải nước thải có thể thực hiện mà không cần đầu tư tốn kém. Chúng ta có thể kêu gọi người dân hạn chế phát thải nước thải, để góp phần giảm lượng nước thải ra môi trường. Thứ hai là hạn chế ô nhiễm nguồn nước, không xả chất thải rắn, khí thải ô nhiễm. Cần đồng bộ quản lý nước thải, quản lý môi trường, chất thải rắn và các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Cuối cùng mới đến giải pháp về đường ống, rà soát lại các cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước” – ông Đồng đề xuất.

Từ lâu, các quốc gia phát triển trên thế giới như Phần Lan, Singapore, Australia, Nhật Bản, Mỹ hay Nam Phi đã rất chú trọng trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là công tác xử lý nước thải đô thị. Theo ông Nguyễn Thế Đồng, đối với Việt Nam, để đạt được mức độ quản lý môi trường nước đang là sự mơ ước. Chúng ta hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, việc học tập kinh nghiệm, hợp tác rất quan trọng để có thể đẩy nhanh xử lý ô nhiễm.

“Thứ nhất, Việt Nam có thể xem lại các hệ thống chính sách cơ chế hiện hành, để khơi thông nguồn lực quốc gia, phát triển hợp tác quốc tế. Thứ 2 là về nguồn lực, chúng ta biết nguồn lực trong nước và quốc tế rất quan trọng. Nước ta cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hóa, theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm sao để công tác này phải có nguồn thu”- ông Đồng nói.

Theo ông Đồng, trong luật Bảo vệ Môi trường cũng đề cập nhưng làm chưa được bao nhiêu, cần học hỏi từ nước ngoài như ví dụ như ở Đức, phí trả nước thải cao hơn phí mua nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là một nội dung mới, giúp cải thiện tốt việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải, tăng cường tái chế nguồn rác thải. Cơ chế hoạt động có thể huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, mỗi người dân đều có ý thức bảo vệ môi trường thì vấn đề ô nhiễm sẽ được cải thiện rất nhiều. Ngoài ra hiện nay Nhà nước còn xây dựng các danh mục xanh, các dự án bảo vệ môi trường sẽ được hưởng ưu đãi của Nhà nước về tín dụng cũng như các chính sách về trái phiếu. Từ chính sách đến thực tế sẽ có khoảng cách lớn nên cần tích cực học hỏi từ nước ngoài.

P.Hà/VOV.VN

Theo VOV.VN

Ảnh: Ao hồ, sông ngòi oằn mình “tiếp nhận” hàng triệu m3 nước thải sinh hoạt chưa xử lý (ảnh minh họa: Internet)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/ao-ho-song-ngoi-oan-minh-tiep-nhan-hang-trieu-m3-nuoc-thai-sinh-hoat-chua-xu-ly-post936646.vov