Ngay sau khi TC MT và ĐT đăng tải thông tin NM sản xuất Phân bón Ong Biển tại xã Tóc Tiên, TX Phú Mỹ, tỉnh BR-VT xả thải ra Môi trường, sáng 14/6/2021, UBND TX Phú Mỹ chỉ đạo UBND xã Tóc Tiên kiểm tra
Theo báo cáo của UBND thị xã Phú Mỹ gởi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), căn cứ vào kết quả kiểm tra của UBND xã Tóc Tiên thì các hồ chứa “chất thải” đen sì, bốc mùi hôi thối là hồ chứa nguyên liệu gồm mật mía và than bùn. Đây là “nguyên liệu đầu vào” được thu gom sau quá trình xử lý chất thải lỏng sinh hoạt của công ty trong khu xử lý tập trung Tóc Tiên được đưa về hồ trung chuyển.
“Tại thời điểm kiểm tra, đoàn không phát hiện công ty xả chất thải hoặc có dấu vết xả chất thải ra môi trường. Theo đánh giá cảm quan tại các hồ chứa không có mùi hôi thối, chỉ có mùi mật mía. Trong quá trình sản xuất phân bón của công ty có hoạt động bơm nguyên liệu trong khuôn viên nhà máy, không phải hoạt động bơm chất thải ra ngoài môi trường”- Biên bản do Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ Nguyễn Long ký nêu rõ.
Như vậy, việc kiểm tra “bằng mắt thường” tại Nhà máy Ong Biển đã sơ bộ kết luận các “chất thải đen sì, bốc mùi hôi thối” chỉ là nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất và được nhà máy kiểm soát trong khuôn viên quản lý của mình. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra có đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường BRVT và các ban ngành liên quan kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển.
Thông qua động thái này, cho thấy chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh những thông tin từ dư luận. Tuy nhiên, cho đến nay, động tác vào cuộc vẫn mới dừng lại ở chuyện “xác minh” mà chưa “làm rõ” được hành vi sai phạm về môi trường của Nhà máy Ong Biển. Theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt về bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp sản xuất bắt buộc phải báo cáo giám sát môi trường định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần. Đối với các doanh nghiệp đặc biệt như sản xuất phân bón phải báo cáo giám sát môi trường 3 tháng/lần.
Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển thuộc sở hữu Công ty TNHH TM-SX Đại Nam được UBND tỉnh BR-VT phê duyệt đề án bảo vệ môi trường bằng Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 12/01/2018. Vậy trong hơn 3 năm qua, Nhà máy Ong Biển đã báo cáo giám sát môi trường định kỳ được bao nhiêu lần? Nội dung báo cáo có đạt hay không đạt? Trên nguyên tắc, Sở Tài nguyên và Môi trường là người giám sát, vậy việc giám sát này hiện nay như thế nào mà đến khi đoàn kiểm tra của thị xã Phú Mỹ “xác minh thông tin báo chí phản ánh” mới có đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở này kiểm tra?
Như đã nói, UBND tỉnh BR-VT đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường của Công ty TNHH TM-DV Đại Nam tại Nhà máy Ong Biển. Tuy nhiên, theo qui định hiện hành, đây thực chất là bản cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đối với địa phương. Chính vì là cam kết nên việc có thực hiện cam kết này hay không, cơ quan chức năng có biết? Có kiểm tra định kỳ? Có công khai cho người dân giám sát hay không?
Định kỳ đo đạc, lấy mẫu phân tích các thông số đặc trưng (liên quan đến các nguồn thải) của chất thải phát sinh từ quá trình hoạt động của cơ sở (nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, tiếng ồn, độ rung, và các chỉ tiêu khác); tần suất đo đạc, lấy mẫu phân tích tối thiểu 03 tháng/lần.
Qui định về môi trường hiện hành rất rõ ràng, trong đó một số tiêu chuẩn chính như sau:
Nước thải: Lấy mẫu nước thải trước khi xả ra hệ thống cống thoát nước công cộng; các quy chuẩn đối chiếu: QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp, QCVN 14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải sinh hoạt.
Khí thải: Lấy mẫu phân tích khí thải tại các nguồn phát sinh, sau hệ thống xử lý (nếu có); các tiêu chuẩn đối chiếu: QCVN 19:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ.
Chất thải rắn và chất thải nguy hại: Thống kê tổng lượng thải; mô tả biện pháp phân loại, lưu giữ; đính kèm các hợp đồng với đơn vị có chức năng trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý.
Tiếng ồn, độ rung: Đo đạc tại các vị trí phát sinh có khả năng gây ảnh hưởng nhiều nhất; tiêu chuẩn đối chiếu: QCVN 26:2010/BTNMT Quy định mức ồn tối đa cho phép khu vực công cộng và dân cư.
Định kỳ đo đạc, lấy mẫu phân tích các thông số đặc trưng (liên quan đến các nguồn tác động tiêu cực) của môi trường xung quanh cơ sở (nước mặt, nước ngầm, không khí, đất) – Nếu tại khu vực của cơ sở không có trạm quan trắc chung của cơ quan nhà nước; tần suất đo đạc, lấy mẫu phân tích tối thiểu 06 tháng/lần.
Môi trường không khí xung quanh: Quy chuẩn so sánh: QCVN 05:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.
Môi trường nước mặt: quy chuẩn so sánh: QCVN 08:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Môi trường nước ngầm: Quy chuẩn so sánh: QCVN 09:2008/BTNMT Quy chuẫn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm.
Theo dõi diễn biến và đo đạc thực trạng các yếu tố (nếu có liên quan): Xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ, đáy biển; thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; và các tác động khác (nếu tại khu vực của cơ sở không có trạm quan trắc chung của cơ quan nhà nước); tần suất đo đạc phù hợp với từng trường hợp cụ thể…
Đã đến lúc Nhà máy Ong Biển nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh BR-VT cần được giám sát chặt chẽ hơn không chỉ ở cơ quan quản lý môi trường mà ở công chúng xung quanh.
Nhóm PV phía Nam
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)