Sau 14 năm từ ngày khởi công, công trình chỉ hiện hữu các hạng mục đường vận hành, cống dẫn dòng, đường dây 35kV; các hạng mục dở dang gồm đập bờ phải, đập bờ trái, đập tràn…
Dự án nhà máy thủy điện Bắc Giang nằm tại xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn do Công ty cổ phần Năng lượng SOMECO1 làm chủ đầu tư.
Đây là công trình thủy điện cấp III, được thiết kế 2 tổ máy với công suất lắp máy là 14 MW, tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng (thời điểm năm 2007).
Sau 14 năm từ ngày khởi công, nhà máy này vẫn chỉ là “dự án” bởi chưa thể đưa vào vận hành.
Điều này khiến cuộc sống của người dân khu vực bị đảo lộn mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần kiểm tra; đồng thời chỉ ra nguyên nhân do năng lực của chủ đầu tư và sai phạm trong quá trình vay vốn giữa hai bên ngân hàng và chủ đầu tư.
Nói tới dự án với cái tên Nhà máy thủy điện Bắc Giang thì không chỉ người dân ở huyện nghèo Bình Gia mà ngay cả người dân sinh sống ở địa phương khác trong tỉnh Lạng Sơn cũng phải ngao ngán bởi tiến độ thi công “chậm hơn rùa bò.”
Nguyên nhân khiến tiến độ thi công chậm chễ được xác định là do năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư; đặc biệt hơn, một số cán bộ tín dụng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã để xảy ra những sai phạm trong kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn và trả nợ của chủ đầu tư.
Ì ạch dự án trăm tỷ
Đại diện chính quyền huyện Bình Gia cho biết dự án được khởi công từ năm 2007, đến năm 2011 thì ngừng thi công và năm 2018 được tái khởi động.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi tái khởi động, dự án tiếp tục bị ngừng thi công cho đến nay.
Sau 14 năm từ ngày khởi công, công trình chỉ hiện hữu các hạng mục đường vận hành, cống dẫn dòng, đường dây 35kV; các hạng mục dở dang gồm đập bờ phải, đập bờ trái, đập tràn…
Một số công trình khác ngoài bêtông đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cấu trúc sắt thép đã hoen gỉ theo thời gian…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Gia Hoàng Văn Chung cho rằng việc dự án dừng triển khai thực hiện đã có tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân trong khu vực lòng hồ, nhất là những hộ có đất đai, tài sản trong phạm vi thu hồi đất thực hiện dự án.
Từ năm 2013 đến nay, người dân không dám đầu tư sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở, không yên tâm đầu tư sản xuất vì không biết dự án có tiếp tục thực hiện hay không.
Hàng năm, vào mùa mưa lũ, hoa màu của người dân bị ngập úng nhiều do công trình mới ngăn chặn một phần dòng chảy, làm giảm năng suất nông nghiệp, nhiều vụ bà con mất trắng.
“Vì gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nên Ủy ban Nhân dân huyện Bình Gia đã nhận được rất nhiều kiến nghị của cử tri về giải quyết vấn đề ngập úng hoa màu và yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề này chưa giải quyết được do dự án đang xây dựng dang dở,” ông Hoàng Văn Chung chia sẻ.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Bình Gia, để xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Bắc Giang, thống kê sơ bộ có khoảng 483 hộ bị ảnh hưởng; trong đó, 42 hộ bị thu hồi nhà ở, đất ở, phải di chuyển chỗ ở; 23 công trình hạ tầng công cộng bị ảnh hưởng. Từ năm 2012 đến nay, huyện Bình Gia không nhận được văn bản hay báo cáo của chủ đầu tư về việc triển khai về phòng, chống lụt bão.
Đặc biệt, tháng 10/2013, Hội đồng bồi thường huyện Bình Gia ban hành văn bản về việc kiểm đếm tài sản các hộ dân bị ảnh hưởng công trình thủy điện Bắc Giang. Tuy nhiên, chủ đầu tư không phối hợp thực hiện dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với khu vực lòng hồ cũng tạm dừng triển khai.
Sai phạm từ vay vốn
Về đầu tư vốn thủy điện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Lạng Sơn là đơn vị cho Công ty cổ phần Năng lượng SOMECO1 (chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Bắc Giang) vay vốn.
Tháng 1/2009, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có văn bản số 65/NHNo-TDDN về việc chấp thuận cho chủ đầu tư vay hơn 202,9 tỷ đồng.
Văn bản cũng nêu rõ các điều kiện trước khi ký hợp đồng tín dụng là: chủ đầu tư phải tham gia đủ vốn tự có vào dự án tối thiểu 30% tổng mức đầu tư, tương đương 94 tỷ đồng; phải sử dụng tối thiểu 50% vốn tự có, tương ứng 47 tỷ đồng để thực hiện dự án; cùng một số quy định, điều kiện khác…
Các điều kiện vay vốn đã rõ, nhưng một số cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Lạng Sơn tại thời điểm đó đã làm trái với văn bản phê duyệt của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Cụ thể, nội dung tại Kết luận thanh tra số 07/KL-LAS.TTGSNH ngày 5/1/2012 của Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn về việc thanh tra đột xuất đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Lạng Sơn nêu rõ thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng ngày 21/1/2009, vốn chủ sở hữu của công ty SOMECO1 mới chỉ gần 7,1 tỷ đồng. Mức vốn này không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Lạng Sơn vẫn thực hiện giải ngân.
Đặc biệt, tháng 7/2009, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Lạng Sơn tiếp tục giải ngân 20 tỷ đồng (lần ghi nợ thứ 7) cho SOMECO1 để tạm ứng công trình là trái với nội dung văn bản số 65/NHNo-TDDN ngày 7/1/2009 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khi chủ đầu tư đã vi phạm điều kiện tỷ lệ góp vốn và tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Lạng Sơn còn thiếu giám sát và giám sát không đầy đủ việc thực hiện nghĩa vụ khách hàng trong mua bảo hiểm công trình Nhà máy thủy điện Bắc Giang đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng…
Nghiêm trọng hơn, Kết luận thanh tra số 07/KL-LAS.TTGSNH cũng chỉ rõ dù biết dự án Nhà máy thủy điện Bắc Giang đã tạm dừng thi công từ tháng 7/2011 nhưng đến tháng 11/2011, Chi nhánh ngân hàng vẫn ký hợp đồng tín dụng để cho vay thực hiện dự án; trong đó, có các khoản chi trả lương nhân công, vi phạm nghiêm trọng Luật các tổ chức tín dụng và một số điều khoản khác theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 31/12/2020 tổng dư nợ của dự án là gần 233,5 tỷ đồng và hơn 1,1 triệu USD; trong đó phần nợ lãi là gần 120 tỷ đồng và hơn 437.000 USD.
Theo VietnamPlus
Ảnh: Dự án thủy điện Bắc Giang thi công thời điểm tháng 4/2011. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)
Xem bài viết gốc tại đây: