Giải quyết hiệu quả ngập, lún là một trong các yếu tố quan trọng và điều kiện cần có với đô thị thông minh
TP HCM đang phải đối mặt với tình trạng lún mặt đất tăng nhanh không những gây tốn kém, ô nhiễm môi trường, hư hỏng cơ sở hạ tầng mà còn đối diện ngập nước trầm trọng.
Đô thị hóa nhanh, khai thác nước ngầm quá mức
Một nghiên cứu do tiến sĩ Lê Văn Trung thực hiện đã chỉ rõ các khu vực quận 2, 7 và Bình Thạnh có bề mặt đất lún biến dạng khoảng hơn 20 cm. Mức lún 15-20 cm là ở các quận 1, 3, 4, 5, 8, 12, Gò Vấp và huyện Bình Chánh. Thấp hơn ở mức lún từ 10-15 cm là các quận 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận và TP Thủ Đức. Huyện có mức biến dạng bề mặt ít nhất là huyện Hóc Môn với mức lún 5-10 cm.
Nguyên nhân lún được lý giải phần lớn là do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, kết hợp với tình trạng khai thác nước ngầm quá mức để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và xây dựng. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, tổng lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố khai thác trung bình hơn 700.000 m³/ngày đêm. Trong đó, hộ dân khai thác hơn 300.000 m³, còn lại là các cơ sở sản xuất nước đá, rửa xe máy và ôtô, những điểm tẩy rửa và chế biến sản phẩm, nhiều doanh nghiệp trong khu chế xuất và khu công nghiệp.
Đặc biệt, dù khu vực bị lún nhưng “đất vàng” sinh lợi cao nên nhà đầu tư vẫn mong muốn làm dự án kinh doanh. Trong vấn đề này không loại trừ khả năng có biểu hiện chiều ý nhà đầu tư nhiều hơn là chống lún, bảo vệ cảnh quan đô thị khi cấp phép xây dựng dày đặc nhà cao tầng trên đất yếu. Từ đó cũng cho thấy trong quản lý đô thị còn mang tính riêng biệt và chưa phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng về quy hoạch, tài nguyên, xây dựng. Nếu không đổi cách làm, nhà cao tầng sẽ ngày càng mọc trên nền đất yếu, nguy cơ sẽ ngày càng lún.
Cần triển khai nhiều giải pháp
TP HCM có hàng trăm ngàn giếng khoan mỗi năm hút lên một lượng lớn nước khiến túi nước dưới lòng đất bị sụt giảm, rỗng cục bộ dẫn đến lún rồi lan dần ra. Vì vậy, trước hết phải rà soát, nơi nào có nước máy thì buộc lấp giếng khoan và không khai thác nước ngầm. Trường hợp cho phép, phải đăng ký định mức phù hợp, buộc đóng thuế thật cao theo lũy tiến lượng nước ngầm khai thác và truy thu cả thuế xả thải nước sinh hoạt và công nghiệp. Số tiền thu được hằng năm công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, góp vào quỹ bảo vệ môi trường, chống ngập nước, trang trải cho các hoạt động thu phí và kiểm tra giám sát khai thác, xả thải. Những thành phố lớn trên thế giới đều kiểm soát chặt tài nguyên nước, khai thác nước ngầm hoặc xả nước thải ra môi trường phải đóng thuế khá cao. Về lâu dài nên nghiên cứu hướng đến xử lý nước thải dẫn vào các hệ thống hồ chứa để người dân có thể lấy sử dụng, phục vụ tái sản xuất mà không phải khai thác nước ngầm.
Rà soát tổng thể những khu vực xảy ra hiện tượng lún để hạn chế tối đa xây công trình cao tầng và khai thác nước ngầm. Những dự án lập khu dân cư, xây cất công trình phải có giải pháp cung cấp nước sinh hoạt, không ảnh hưởng mực nước ngầm, bảo đảm nguyên tắc bù bề mặt trữ nước tự nhiên bằng hệ thống hồ chứa, không gian trống để giữ nước và thấm hút xuống lòng đất nhằm giữ tính ổn định, tăng cường và bổ sung cho tầng nước ngầm.
Mật độ xây dựng tại TP HCM chủ yếu tập trung ở nội thành cũng là khu vực xảy ra hiện tượng lún, nhất là những vùng trũng bị san lấp mặt bằng xây cất nhà cao tầng càng thúc đẩy lộ trình lún diễn ra nhanh hơn. Trong khi vùng đất cao, có tầng địa chất cứng, như khu vực phía Tây Bắc của thành phố còn nhiều đất trống, dân số ít lại chưa được khai thác hiệu quả. Cần có cơ chế giảm thuế, tiền sử dụng đất, ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển đô thị ở vùng đất này.
TP HCM giảm khai thác nước ngầm UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP năm 2021. Theo đó, TP HCM đặt ra mục tiêu giảm tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18,93%; 100% hộ dân sử dụng nước sạch; phát triển hệ thống cấp nước thông minh; lắp đặt thí điểm công trình cung cấp nước uống tại vòi ở các khu vực công cộng như công viên, trường học, bệnh viện… Đồng thời, TP HCM cũng lên lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. Đối với đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm bên ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp không phải hộ gia đình phải giảm khai thác nước dưới đất theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và theo Quyết định số 1242/2018 của UBND TP về giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP đến năm 2025. Riêng các đơn vị cấp nước thì ngừng khai thác các trạm tại các khu vực đã có mạng cấp nước của TP. |
Nguyễn Quốc Cường – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Tình trạng lún mặt đất tăng nhanh là một trong những nguyên nhân gây ngập nước trầm trọng Ảnh: LÊ PHONG
Xem bài viết gốc tại đây: