Để ứng phó với tình trạng biển xâm thực, UBND tỉnh Cà Mau đã đề ra chủ trương xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, hiện chủ trương này vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Cà Mau là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hàng năm, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện một số dự án khẩn cấp, khắc phục sạt lở ở những đoạn xung yếu, đặc biệt nghiêm trọng bằng nguồn ngân sách được Trung ương bố trí, hỗ trợ.
Tuy nhiên nguồn vốn này còn khiêm tốn, nguồn lực của địa phương lại có hạn, nên khó có thể chủ động ứng phó với những tình huống sạt lở bất ngờ. Từ thực tế đó, UBND tỉnh Cà Mau khuyến khích doanh nghiệp được giao sử dụng tài nguyên ven biển tự bỏ vốn đầu tư xây dựng dựng công trình kè bảo vệ bờ biển và các công trình, hạ tầng phục vụ phát triển nhà máy điện gió, du lịch nhằm chia sẻ một phần khó khăn với địa phương.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý được giao đất và mặt nước ven biển Khai Long để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy điện gió và khu du lịch. Đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng được gần 3,5 km kè bảo vệ Khu du lịch Khai Long tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng.
Tuy vậy, nguồn vốn đầu tư cho công trình kè ven biển rất lớn nên doanh nghiệp này đang gặp khó khăn và đã làm hồ sơ xin trả lại 35 ha diện tích khu vực biển được giao trước đó. Trong khi mỗi năm, tại khu vực này, biển lại lấn sâu vào đất liền từ 50 – 100 m, việc doanh nghiệp xây dựng tuyến kè không chỉ chống sạt lở, giữ được đất mà còn tạo bồi lắng, bảo vệ các công trình ven biển.
Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý đề xuất, các ngành chức năng cần có cơ chế cho doanh nghiệp thực hiện bờ kè. Theo đó, có thể miễn thuế đất được giao sử dụng ở khu vực bờ kè, từ đó lấy vốn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ biển.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam, địa phương cũng đã đề xuất về chính sách thu hút xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ biển; trong đó, có cơ chế phù hợp trong việc giao đất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp làm du lịch hoặc điện năng lượng mặt trời, điện gió. Đồng thời, các ngành chức năng xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý đường bờ ven biển… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Tin tức TTXVN
Ảnh: Hệ thống kè cơ bản ngăn sạt lở kết hợp khôi phục rừng ven biển Mũi Cà Mau.
Xem bài viết gốc tại đây: