Việc được ký hợp đồng đặt hàng công tác bảo trì đã giúp ngành đường sắt giải quyết được khó khăn tài chính trước mắt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần ngọn của vấn đề.
Đâu là gốc rễ của vấn đề?
Bộ GTVT đã hoàn thành việc ký hợp đồng đặt hàng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, với tổng giá trị 2.821,9 tỷ đồng. Theo quy định trong hợp đồng trên, trong vòng 5 ngày, Bộ GTVT sẽ tạm ứng 50% giá trị hợp đồng, tức khoảng hơn 1.400 tỷ cho VNR. Về phía VNR, có nhiệm vụ triển khai các thủ tục để tiến hành ký hợp đồng kinh tế với các DN trực tiếp thực hiện công tác bảo trì đường sắt, cụ thể là 20 công ty con.
Song song với ký hợp đồng kinh tế, VNR cũng có trách nhiệm thực hiện những thủ tục tài chính cần thiết để khi có tiền tạm ứng sẽ chuyển ngay tạm ứng vốn cho các công ty con. Với số tiền trên, chắc chắn, VNR sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc hiện tại về tài chính, người lao động trong ngành sẽ không còn phải đối mặt với tình trạng nợ lương, ít nhất cho đến hết năm 2021.
Đặc biệt, ngoài tiền lương cho người lao động, tiền chi trả vật tư mà các công ty con đã ứng ra từ đầu năm 2021 đến nay cũng sẽ được hoàn trả. Đây sẽ là điều tối quan trọng giúp các DN thực hiện công tác bảo trì đường sắt cho VNR có thêm sức để tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Trước khi được Bộ GTVT ký hợp đồng đặt hàng thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, VNR đã liên tục kêu cứu về tình trạng khó khăn của ngành khi chưa nhận được việc giao dự toán vốn ngân sách. Thậm chí, lãnh đạo VNR không ít lần “dọa” sẽ dừng chạy tàu nếu như nguồn vốn này không sớm giao về cho họ. Điệp khúc này bắt đầu xuất hiện từ khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, không còn trực thuộc Bộ GTVT.
Dù đã được Bộ GTVT ký hợp đồng đặt hàng thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, thế nhưng, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, những năm tiếp theo VNR sẽ làm gì hay tiếp tục lặp lại điệp khúc “khát sữa” và “quấy khóc” như họ vừa làm? Đấy mới là gốc rễ của vấn đề, còn câu chuyện ký hợp đồng đặt hàng bảo trì vừa rồi chỉ là phần ngọn.
Cần thay đổi toàn diện
TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, từ câu chuyện nhùng nhằng xung quanh việc giao dự toán vốn ngân sách cho VNR trong thời gian qua có thể thấy rất rõ tình trạng bị động và ăn đong của ngành đường sắt. “Một DN từng là cánh chim đầu đàn của ngành GTVT như VNR mà giờ lại trong tình trạng phải phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước để duy trì hoạt động thì có thể thấy ngành đường sắt đang trì trệ đến mức nào rồi” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Chuyên gia giao thông này cũng cho rằng, vấn đề của VNR nói riêng và ngành đường sắt nói chung phải giải quyết từ gốc rễ bằng giải pháp tổng thể, toàn diện. Việc ký hợp đồng đặt hàng bảo trì chỉ là giải pháp tình thế.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, có rất nhiều nguyên do cộng hưởng khiến cho ngành đường sắt rơi vào tình trạng trì trệ như hiện nay và một trong những nguyên nhân chính là câu chuyện “cái khó bó cái khôn”. Đường sắt là một trong những ngành để đầu tư xây dựng hạ tầng cần nguồn vốn rất lớn. Hạ tầng đường sắt Việt Nam đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào khai thác hàng trăm năm nay. Trong suốt quãng thời gian dài đó, hạ tầng này gần như chỉ duy trì bằng việc sửa chữa, bảo trì hàng năm chứ không xây mới hay nâng cấp. Điều này càng làm cho hạ tầng đường sắt thêm xuống cấp.
“Mấy năm nay, chúng ta nói rất nhiều đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Nếu như siêu dự án này được triển khai thì đây gần như là một cuộc cách mạng trong ngành đường sắt” – PGS.TS Ngô Trí Long nói. Đồng thời cho rằng, chính bởi đầu tư mới hạ tầng đường sắt cần một số vốn khổng lồ nên trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn còn khó khăn thì việc duy trì sửa chữa, bảo trì thay vì làm mới là phù hợp.
“Chỉ việc giao vốn để bảo trì hạ tầng ì ạch đã cho thấy hiệu năng, hiệu lực của nền hành chính – công vụ của ngành đường sắt gặp vấn đề nghiêm trọng. Việc ngành đường sắt rơi vào tình trạng quá cũ kỹ, lạc hậu, một trong những nguyên nhân chính là tư duy quản lý chậm đổi mới, thiếu đột phá.” – Chuyên gia giao thông, PGS.TS Ngô Trí Long |
Theo Kinh tế & Đô thị
Ảnh: Lâu nay, ngành đường sắt vẫn sống chủ yếu dựa vào vốn bảo trì từ ngân sách Nhà nước. Ảnh: Lê Thanh
Xem bài viết gốc tại đây:
http://kinhtedothi.vn/ky-xong-hop-dong-bao-tri-duong-sat-moi-giai-quyet-duoc-phan-ngon-422670.html