Chuyên gia cho biết việc người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch là nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội bị xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới.
Sáng 6/6, ứng dụng Air Visual (của Tổ chức Quan trắc chất lượng không khí thế giới) áp dụng cách tính giá trị AQI xếp Hà Nội đứng thứ nhất thế giới về ô nhiễm không khí. Đáng chú ý, lúc 0h cùng ngày, chất lượng không khí trên ứng dụng IQAir tại Hà Nội ở mức tím (202 – mức rất xấu).
Cũng tại thời điểm này, bầu trời Hà Nội mù mịt do khói, tầm nhìn xa bị hạn chế đáng kể, thậm chí gây cảm giác ngột ngạt cho người dân khi ra đường.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, bầu trời mù mịt và chất lượng không khí ở Hà Nội ô nhiễm là do người dân đốt rơm rạ.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, việc so sánh Hà Nội ô nhiễm nhất hay nhì thế giới chỉ là tương đối, nhưng có thể thấy nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là đốt rơm rạ.
“Khoảng 1 tuần nay, vào mỗi buổi chiều, nhiều người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa khiến khói bụi lan từ ngoại thành vào nội thành Hà Nội trong khoảng từ 21-22h đến 1-2h, sau đó dần dần trong sạch trở lại. Việc thu dọn rơm rạ tốn công sức nên người dân khu vực ngoại thành thường đốt bỏ, khiến chất lượng không khí bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Dù Hà Nội đã có Chỉ thị 15 về việc cấm đốt rơm rạ và nhiều biện pháp cấm đốt rơm rạ nhưng chưa hiệu quả. Bụi mịn PM2,5 cao ở AQI đỏ có hại cho sức khỏe, người dân cần hạn chế ra ngoài vào thời điểm về đêm”, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam nói thêm.
Theo VTC News
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vtc.vn/dan-dot-rom-ra-khong-khi-ha-noi-bi-xep-hang-o-nhiem-nhat-the-gioi-ar616693.html