Với gần 60 hecta, Diễn Kim hiện là một trong những vựa muối lớn nhất tỉnh Nghệ An. Bất chấp thời tiết đang nắng hơn 40 độ C, giữa trưa, nhiều người làm nghề muối ở xã Diễn Kim, (huyện Diễn Châu), đã ra đồng làm việc. Ảnh: Tiến Hùng
Đối với diễm dân, “nắng rát thịt da mới ra hạt muối”, vì thế để kịp nắng, một số hộ làm nhiều ruộng phải bắt đầu làm việc từ 12h trưa, hộ làm ít thì thong thả hơn, bắt đầu từ khoảng 13h30. “Có lúc nhiệt độ ở ruộng muối đến hơn 45 độ C. Nhưng vẫn phải làm việc. Vì cái nghề này nó thế, không nắng thì không làm được muối. Cũng nhiều người ngất xỉu lắm, vì nắng quá bị sốc”, ông Bùi Văn Tư (68 tuổi), nói. Ảnh: Tiến Hùng
Để làm ra hạt muối, trải qua rất nhiều công đoạn, kéo dài một ngày. Đầu tiên là phơi cát giữa ruộng phẳng, sau đó tưới nước mặn lên. Ảnh: Tiến Hùng
Sau đó, lớp cát này được dồn lại một góc cạnh bể gạch. Ảnh: Tiến Hùng
Lớp cát được đổ vào bể gạch, hay còn gọi là “chạt lọc” để nén chặt, tiếp tục chêm thêm nước mặn để bắt đầu quá trình lọc muối. Ảnh: Tiến Hùng
Từ bể gạch, nước mặn sẽ theo một đường ống đổ ra một cái giếng. Nước sau khi lọc có độ mặn cao hơn nước biển, gọi là “nước chạt”. Trong ảnh là người đàn ông múc nước chạt từ giếng để chuẩn bị đổ ra ô phơi. Thông thường, phơi buổi sáng, đến chiều sẽ kết tinh thành muối. Đây cũng là công đoạn cuối cùng làm muối. Ảnh: Tiến Hùng
Làm việc giữa trưa nắng khiến mồ hôi nhễ nhại, thấm ướt hết nhiều lớp áo của người đàn bà hơn 60 tuổi. “Làm việc quần quật cả ngày vậy nhưng tính cũng chỉ kiếm được khoảng vài chục nghìn thôi. Vì một tạ muối chỉ bán hơn 100.000 đồng, mà có đến mấy người làm trong một ngày mới xong, bà Trương Thị Xuân, 61 tuổi nói. Ảnh: Tiến Hùng
Đến chiều tối, các hộ bắt đầu thu hoạch muối. Do thu nhập quá bèo bọt, với khoảng vài chục nghìn cho một ngày làm việc quần quật ngoài ruộng muối, nghề làm muối hiện nay phần lớn chỉ là những lao động lớn tuổi. Ảnh: Tiến Hùng
Ông Bùi Sơn Công – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Kim cho biết, toàn xã có hơn 700 hộ dân được nhận diện tích đất làm muối. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 200 hộ với hơn 400 lao động còn gắn bó với cái nghề này. “Nhiều hộ họ bỏ hết rồi vì giá muối thấp quá. Một hộ ở đây trung bình mỗi năm làm được khoảng 3 tấn muối, nếu được giá thì cũng bán chỉ được chưa đầy 5 triệu đồng. Mỗi năm được 5 triệu thì không thể sống nổi với nghề”, ông Công nói. Ảnh: Tiến Hùng
Tiến Hùng – Báo Nghệ An
Theo Nghệ An
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baonghean.vn/diem-dan-nghe-an-quan-quat-lam-viec-giua-trua-nang-40-do-287909.html